Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng bị tác động và đại đa số các ý kiến đều đồng thuận, nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đã được xác định trong các văn bản của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, đồng thời kiện toàn, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tạo cơ sở pháp lý vững chắc, toàn diện, xây dựng, củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Ảnh minh họa (nguồn Internet): các lực lượng tham gia tuần tra, kiểm soát tại địa bàn cơ sở
Theo đó, dự thảo dự án Luật có những nội dung cơ bản sau:
1. Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Luật quy định về: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
2. Về vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý thể hiện rõ hơn vị trí, chức năng là lực lượng quần chúng được tuyển chọn trên cơ sở tự nguyện tham gia hoạt động của người dân, do chính quyền thành lập, được ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động; cụ thể, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được bố trí ở thôn, tổ dân phố; làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.
So với quy định của pháp luật hiện hành đang quy định lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách được thực hiện công tác quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, dự thảo Luật đã điều chỉnh thay đổi về vị trí, chức năng của các lực lượng này sau khi được kiện toàn thống nhất đó là chuyển từ vị trí, chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang vị trí, chức năng là lực lượng hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và làm nòng cốt trong hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở và không chồng chéo với vị trí, chức năng của lực lượng Công an cấp xã.
3. Về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được rà soát về nhiệm vụ của lực lượng này bảo đảm tính khả thi, phù hợp với năng lực, trình độ, không chồng chéo, không trùng lặp với nhiệm vụ của Công an cấp xã và các lực lượng khác ở cơ sở và thể hiện rõ là lực lượng tham gia hỗ trợ cho Công an cấp xã với 06 nhóm nhiệm vụ cụ thể.
4. Về tiêu chuẩn tuyển chọn, kiện toàn, bố trí lực lượng: Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn lý lịch, đạo đức, sức khỏe, trình độ văn hóa và việc bố trí lực lượng trên cơ sở kiện toàn thống nhất lực lượng Bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng và các chức danh Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố theo mô hình Tổ bảo vệ an ninh, trật tự phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo đảm không tăng biên chế, không bị lãng phí nguồn nhân lực.
Dự thảo Luật quy định kiện toàn thống nhất các lực lượng, chức danh thành một đầu mối sẽ góp phần giảm chi ngân sách, bảo đảm linh hoạt, chủ động, nhanh chóng trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn cơ sở; khắc phục được những chồng chéo, mâu thuẫn trong thực hiện nhiệm vụ giữa các lực lượng hiện nay.
5. Về bảo đảm điều kiện hoạt động: Dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng mức tiền hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; được bảo đảm nơi làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị công cụ hỗ trợ, trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biển hiệu, giấy chứng nhận; bảo đảm chế độ, chính sách khi thực hiện nhiệm vụ bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh.
Đây là nhóm chính sách lớn của dự án Luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến và các nội dung này cũng đã được Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát, thống kê, đánh giá toàn diện về thực trạng tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hiện nay và các quan hệ xã hội có liên quan làm cơ sở đề xuất nội dung quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào sáng ngày 27/10/2023, Quốc hội đã tập trung thảo luận về 02 vấn đề được Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và đối tượng thụ hưởng quan tâm liên quan dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, cụ thể:
Một là, đánh giá về chế độ, chính sách, kinh phí, nguồn nhân lực bảo đảm thực hiện theo quy định của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở:
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Trung tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP & AN) của Quốc hội cho biết: Thực hiện quy định hiện hành, các địa phương trong cả nước đang chi trả cho tổ chức, hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động cho các lực lượng này khoảng 3.570 tỷ đồng/năm (tính theo mức lương cơ sở mới). Tính đến hết tháng 12/2022, tổng số thôn, tổ dân phố trong toàn quốc là 84.721 thôn, tổ dân phố với mức lương cơ sở hiện hành là 1.800.000đ. Trường hợp 84.721 thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự thì toàn quốc có 84.721 Tổ bảo vệ an ninh, trật tự (trung bình mỗi Tổ có 03 người) và dự kiến tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm. Trung bình 01 tỉnh, thành phố cần bảo đảm khoảng 55.6 tỷ đồng/năm, tương ứng khoảng 4,6 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố thuộc cấp xã hoặc tại huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã nên khi triển khai thi hành Luật thì tổng số Tổ bảo vệ an ninh, trật tự có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm theo.
Như vậy, nếu thành lập Tổ bảo vệ an ninh, trật tự với nguồn nhân lực trước hết là được kiện toàn từ lực lượng bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng, Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng và với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia hoạt động và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn đang chi trả hiện nay.
Hai là, về quy định khung, quy định cụ thể mức tối thiểu hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế:
UBTVQH thấy rằng, đây là lực lượng quần chúng được tuyển chọn tham gia; nếu quy định “cứng” trong luật về khung mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng và khung mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế sẽ không phù hợp với thực tế, nhất là ở các địa phương còn khó khăn về kinh tế, chưa tự chủ được ngân sách. Do đó, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép kế thừa pháp luật hiện hành, quy định theo hướng mở để chính quyền địa phương quyết định mức hỗ trợ thường xuyên hằng tháng, quyết định mức hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế đối với người tham gia lực lượng này để phù hợp với thực tế điều kiện ở từng địa phương và bảo đảm tính khả thi của luật.
Ý kiến bạn đọc