KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BÙ ĐỐP (1-5-2003 - 1-5-2023) Xây nền tảng phát triển

Thứ tư - 10/05/2023 23:51 86 0
BPO - “Ngay từ những ngày đầu thành lập, huyện Bù Đốp đã xác định trong quá trình phát triển, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đặc biệt là xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ ngang tầm nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Làm tốt công tác này đã giúp Bù Đốp có được bước phát triển vượt bậc như hiện nay. Minh chứng rõ nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện trong 20 năm qua đạt 9,45%”. Đó là khẳng định của Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Dương Thanh Huân khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) nhân kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện.

Thành lập huyện - mở đường cho phát triển

Bí thư Huyện ủy Dương Thanh Huân: Những ngày đầu mới thành lập, Bù Đốp được xem là một trong những huyện nghèo nhất của cả nước. 100% các xã trên địa bàn huyện đều thuộc xã đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng gần như không có. Qua 20 năm phấn đấu, xây dựng, Bù Đốp hôm nay đã có sự đổi thay và phát triển toàn diện. Cứ nhìn vào cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông và đời sống xã hội của người dân từ trung tâm huyện đến các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến biên giới của huyện hôm nay sẽ thấy rất rõ. Hạ tầng giao thông đã được kết nối liên vùng. Đường làng, ngõ xóm, thôn, ấp được nhựa hóa hoặc bê tông giúp diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. 6/6 xã của huyện đã về đích nông thôn mới. Riêng xã Thiện Hưng đang phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các tiêu chí đô thị loại V. Thị trấn Thanh Bình đã đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Dương Thanh Huân phát biểu định hướng công tác cán bộ tại cuộc họp Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đốp

Đến nay, 100% thôn, ấp, khu phố có nhà văn hóa khang trang để sinh hoạt cộng đồng. Đời sống kinh tế của người dân thay đổi đáng kể. Bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện luôn được giữ gìn và phát huy.

Tổng diện tích tự nhiên của huyện Bù Đốp 37.750 ha, trong đó có 86,376km đường biên tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Dân số hiện nay là 60.027 người. Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 18,28%. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm 26,57% (năm 2003), giảm còn 2,32% (năm 2022). Năm 2003, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 22,5 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 3,3 triệu đồng/năm. Năm 2022, thu ngân sách huyện đạt 573,658 tỷ đồng, gấp 26 lần so với năm 2003; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng/năm. 100% xã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

 

Xây dựng Đảng là then chốt

Bí thư Huyện ủy Dương Thanh Huân: Công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển của huyện Bù Đốp hôm nay. Đây là nhiệm vụ then chốt. Trong đó, chúng tôi xác định công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên là “then chốt của then chốt” để có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI thống nhất chủ trương xây dựng chương trình đột phá về “Tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh”. Đây được coi là quyết sách quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị của địa phương.

Hơn 250 lao động phổ thông trên địa bàn huyện làm việc trong khu nông nghiệp công nghệ cao tại xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp

Để tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm tạo nguồn kết nạp đảng viên không chỉ ở cơ quan, đoàn thể mà còn chú trọng đến các doanh nghiệp tư nhân đóng trên địa bàn huyện. Chúng tôi luôn duy trì phân công các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện trực tiếp theo dõi và dự sinh hoạt đảng tại các chi bộ thôn, ấp, khu phố để làm cầu nối trực tiếp giữa Ban Chấp hành Đảng bộ huyện với cơ sở, từ đó nắm rõ tình hình của mỗi địa phương để đưa ra những chủ trương, quyết sách sát, đúng với thực tiễn, được nhân dân đồng tình hưởng ứng.

Năm 2003, Đảng bộ huyện Bù Đốp có 7 tổ chức cơ sở đảng, với 459 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ huyện có 50 tổ chức cơ sở đảng, với 2.005 đảng viên. Hằng năm, có nhiều tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh và hơn 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Huyện giải quyết việc làm cho 33.935/33.500 lao động, đạt 101,2% chỉ tiêu nghị quyết đề ra; đào tạo nghề cho 5.932/5.185 lao động, đạt 114,4% nghị quyết nhiệm kỳ.

 

Văn hóa là động lực phát triển

Bí thư Huyện ủy Dương Thanh Huân: Bù Đốp là mảnh đất tiền tiêu của miền Đông Nam Bộ, có vị trí trọng yếu trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa, truyền thống cách mạng và tiềm năng phát triển “kinh tế xanh”. Dân số của huyện hiện có hơn 60.027 người, với 26 thành phần dân tộc. Trong đó, mỗi dân tộc mang bản sắc văn hóa đặc sắc riêng nhưng lại rất đoàn kết, gắn bó, sống nghĩa tình, giúp nhau cùng tiến.

Đảng bộ huyện Bù Đốp luôn xác định phát triển văn hóa đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm đầu tư, bảo tồn và phát huy

Đảng bộ huyện luôn xác định: Phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, từ nhà văn hóa cộng đồng đến trường học cũng như các thiết chế văn hóa luôn được quan tâm đầu tư đúng mức. Từ môi trường này, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc được duy trì và phát huy. Trong những năm qua, các di tích lịch sử luôn được đầu tư tôn tạo, bảo tồn. Các loại hình văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng. Toàn huyện hiện có 20 câu lạc bộ văn hóa - văn nghệ đang hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, Bù Đốp luôn duy trì Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc định kỳ 2 năm/lần theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện. Thông qua ngày hội, các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc được phát huy và gìn giữ. Có thể kể đến như: Lễ hội Mừng lúa mới gắn với cồng, chiêng của đồng bào S’tiêng; tết Chôl Chnăm Thmây gắn với điệu múa lâm thôn hết sức độc đáo của đồng bào Khmer; đờn ca tài tử của đồng bào miền Tây Nam Bộ; đàn tính, hát then của đồng bào dân tộc phía Bắc; hát chèo, dân ca của đồng bằng Bắc Bộ… tạo nên sự đa dạng về bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI đặt mục tiêu đến năm 2025: Giá trị sản xuất bình quân đạt 8,62%. Thu nhập bình quân đầu người hơn 68 triệu đồng/năm. Phát triển văn hóa góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Nâng cao hiệu quả sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao. Nâng cao thành tích thể dục thể thao và phong trào rèn luyện thân thể trong nhân dân.

 

Là huyện biên giới, hoạt động giao lưu nhân dân với các huyện thuộc Vương quốc Campuchia tiếp giáp huyện Bù Đốp được duy trì thường xuyên trong quá trình phát triển. Huyện cũng luôn tổ chức, phối hợp với đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh biểu diễn các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân vùng giáp biên, vừa tạo mối quan hệ hữu nghị, thắm tình đoàn kết Việt Nam - Campuchia, vừa góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên tuyến biên giới. Với vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực của sự phát triển, tôi cho rằng, văn hóa đã tác động tích cực và trực tiếp tới tất cả lĩnh vực, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp.


Đông Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP.
Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đốp
Địa chỉ:  Ð.Lê Hồng Phong, Khu Phố Thanh Xuân – Thị trấn Thanh Bình – Huyện Bù Ðốp, Bình Phước
ĐT 0271.3563.572; Fax : 0271.3563.583 Email: vphdndubnd.hbdo@binhphuoc.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây