Bài tuyên truyền về Khái niệm, bản chất; sự cần thiết và các nội dung xây dựng Chính quyền thân thiện

Thứ năm - 01/08/2024 22:06 300 0
1. Khái niệm chính quyền thân thiện Chính quyền thân thiện là cách gọi chính quyền được tổ chức và hoạt động gần gũi với nhân dân, tạo được sự thiện cảm với nhân dân. Xây dựng chính quyền thân thiện là thiết lập, củng cố và phát triển mối quan hệ giữa chính quyền và nhân dân ngày càng tốt đẹp hơn, đội ngũ cán bộ, công chức của chính quyền có thái độ tôn trọng, ân cần và niềm nở với nhân dân; lắng nghe và chia sẻ góp ý của nhân dân với chính quyền; không hách dịch, cửa quyền, không quan liêu trong giải quyết công việc của nhân dânNhư vậy, chính quyền thân thiện có thể được hiểu là những hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước nhằm loại bỏ rào cản với nhân dân, luôn gần gũi với nhân dân, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân để phục vụ nhân dân tốt hơn.
2. Bản chất của chính quyền thân thiện
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa XI về Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới đã đề ra giải pháp nhằm tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, trong đó đáng chú ý có nội dung: Cán bộ, công chức, viên chức phải có trách nhiệm vận động nhân dân. Xây dựng và thực hiện phong cách: trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin; thường xuyên đi công tác cơ sở. Các cơ quan nhà nước, nhất là những ngành, cơ quan, đơn vị có quan hệ trực tiếp với nhân dân cần công khai các quy định cụ thể về trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức để nhân dân biết và giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đổi mới lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Hội nghị toàn quốc về tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày 16/7/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu bộ máy chính quyền phải: Nâng cao đạo đức công vụ, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng chính quyền thật sự thân thiện, gần dân, trọng dân và vì dân.
Từ phong trào xây dựng chính quyền thân thiện ở các địa phương hiện nay cho thấy, mục đích của việc xây dựng chính quyền thân thiện nhằm:
1) Thực hiện tốt việc phục vụ nhân dân khi đến giải quyết công việc hành chính;
2) Đổi mới mạnh mẽ lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước;
3) Cải thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị và hành chính công.
Như vậy, chính quyền thân thiện thực chất là các hoạt động của chính quyền nhằm thực hiện cải cách hành chính, nghĩa là các hoạt động nhằm loại bỏ rào cản giữa công dân, tổ chức trong xã hội với chính quyền, làm cho người dân, tổ chức không còn lo ngại khi tiếp xúc, làm việc với chính quyền và người dân được thực hiện trên thực tế quyền làm chủ của mình.
3. Sự cần thiết xây dựng chính quyền thân thiện
Thứ nhất, từ bản chất Nhà nước ta là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Chính quyền thân thiện bắt nguồn từ bản chất của nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Hiến pháp năm 2013 quy định: Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện. Dân là chủ và dân làm chủ nên chính quyền phải phục vụ nhân dân. Chính quyền phải làm cho người dân thực sự là người chủ của nhà nước, chứ không phải là người bị cai trị.
Thứ hai, củng cố và nâng cao lòng tin của nhân dân đối với chính quyền.
Tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức đối với nhân dân chưa cao, thậm chí nhũng nhiễu, tiêu cực, thiếu trách nhiệm và vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân. Một số người có chức, có quyền có tác phong quan liêu, hách dịch, cửa quyền. Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước. Những biểu hiện, hành vi đó không chỉ gây khó khăn cho cá nhân và tổ chức đến làm việc với chính quyền, mà còn làm cản trở sự phát triển của nền hành chính nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Thứ ba, các thế lực thù địch đang tìm cách chống phá nhà nước bằng nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng tìm cách chống phá trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa, xã hội, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, khoa học, giáo dục... Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ở trong và ngoài nước lợi dụng internet và mạng xã hội để phát tán tin, bài, video clip có nội dung tuyên truyền, kích động, xuyên tạc, tung tin thất thiệt, xoáy vào một số hiện tượng tiêu cực trong xã hội làm cho một bộ phận nhân dân mất phương hướng, dẫn đến hoài nghi, thiếu niềm tin với Đảng.
Do đó, cần phải xây dựng chính quyền thân thiện để gần gũi với nhân dân, nắm bắt tư tưởng, mong muốn của nhân dân. Chỉ có phục vụ nhân dân thì mới có được cảm tình của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với bộ máy nhà nước.
4. Nội dung xây dựng chính quyền thân thiện
Xây dựng chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ cần tập trung vào các nội dung sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Để thực hiện tốt việc cải cách thủ tục hành chính cần phải đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động và quy trình giải quyết công việc; giảm bớt giấy tờ hành chính; giảm thời gian xử lý công việc hành chính; cải tiến quy trình giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, tổ chức và cá nhân được nhận giấy hẹn và kết quả giải quyết hành chính theo đúng thời hạn quy định; đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, kết hợp với thực hiện tiêu chuẩn ISO và các hướng dẫn nâng cao chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Bố trí các phương tiện phù hợp nhằm cung cấp thông tin rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục hành chính. Sắp xếp trụ sở làm việc thân thiện, đáp ứng kịp thời yêu cầu phục vụ nhân dân khi đến làm việc; niêm yết công khai, minh bạch các phí, lệ phí trong giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và cá nhân.
Hai là, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Thực hiện dân chủ phải tiến hành sâu rộng. Mục đích thực hiện dân chủ ở cơ sở là nhằm: Góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là công bộc của nhân dân, có đủ phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc có năng suất, chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và đổi mới của đất nước; phòng ngừa, ngăn chặn và chống các hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, phiền hà, sách nhiễu nhân dân.
Để thực hiện dân chủ ở cơ sở, các cơ quan, đơn vị cần:
- Quan tâm lắng nghe, chia sẻ ý kiến, nguyện vọng chính đáng và giải trình kịp thời vướng mắc của nhân dân đối với việc xử lý, giải quyết công việc hành chính.
- Thực hiện công khai số điện thoại của lãnh đạo các đơn vị, địa phương; công khai nhiệm vụ, chức trách của từng cán bộ, công chức giải quyết công việc trực tiếp cho tổ chức và cá nhân. Thiết lập số điện thoại nóng, hộp thư góp ý và thư điện tử để thuận tiện cho nhân dân.
- Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc bầu chọn trưởng thôn, làng, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố; ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng. Những người được bầu chọn phải là người có uy tín, tôn trọng pháp luật và hoạt động có hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm.
- Thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
Ba là, thực hiện tốt việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Công dân có quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, góp ý về quyền lợi của mình, về cách thức, phong cách, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Chính quyền phải tạo thuận lợi cho công dân tham gia được thực hiện các quyền đó.
Để nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần thực hiện tốt các nội dung sau:
- Thực hiện việc giải trình trước nhân dân; đối thoại với nhân dân.
- Chân thành lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và giải đáp kịp thời những khúc mắc của người dân đối với việc xử lý, giải quyết công việc hành chính của chính quyền.
- Có thái độ đúng mực, tôn trọng công dân, thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
- Bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có năng lực tốt làm công tác tiếp công dân, công khai lịch tiếp công dân; nơi tiếp công dân phải bảo đảm quy định về văn hóa công sở.
Bốn là, thực hiện tốt quy định về văn hóa công vụ.
Thực hiện tốt văn hóa công vụ nhằm: góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, xã hội" và "Nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ, công chức".
Cần chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng quy định của Đề án văn hóa công vụ.
Thực hiện hình thức Thư xin lỗi đối với các tổ chức, cá nhân khi giải quyết công việc không đúng hẹn; Thư cảm ơn, Thư chúc mừng nhằm thể hiện sự quan tâm của chính quyền đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết các công việc có liên quan; tổ chức đối thoại với nhân dân thường kỳ hoặc đột xuất nhằm cảm ơn sự góp ý, xây dựng, sự hợp tác của tổ chức, cá nhân.
Xây dựng chính quyền thân thiện là việc làm rất cần thiết nhằm thực hiện tốt mối quan hệ tổng thể Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làn chủ mà Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra và là sự khẳng định bản chất tốt đẹp của chính quyền nhân dân, do nhân dân làm chủ.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HUYỆN UỶ BÙ ĐỐP
BÁO BÌNH PHƯỚC
UBND HUYỆN BÙ ĐỐP
DỊCH VỤ CÔNG
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Facebook Bù Đốp Ngày Mới
UBND XÃ THANH HOÀ
...... ... Thống kê truy cập
  • Đang truy cập109
  • Hôm nay22,035
  • Tháng hiện tại557,794
  • Tổng lượt truy cập3,535,689
Đường dây nóng TT Thanh Bình
* Phản ánh, kiến nghị : 0913644368
* Dịch vụ công: 0967910267
* Chế độ chính sách: 0919405499
* Xây dựng, môi trường: 0969672673
THỊ TRẤN THANH BÌNH - HUYỆN BÙ ĐỐP - TỈNH BÌNH PHƯỚC.
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình - huyện Bù Đốp
Địa chỉ:  Thị trấn Thanh Bình – Huyện Bù Ðốp, Bình Phước
ĐT 0913644368;  Email: thanhbinh.hbdo@binhphuoc.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây