- 09/04/2023 11:27:31 PM
- Đã xem: 240
- Phản hồi: 0
I. QUÁ TRÌNH HUYỆN BÙ ĐỐP ĐƯỢC THÀNH LẬP
Trong quá trình hình thành và phát triển, địa giới hành chính huyện Bù Đốp có sự thay đổi sau nhiều giai đoạn sáp nhập, chia tách, đến ngày 20/02/2003 thì huyện Bù Đốp được thành lập.
Vào đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn cho thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải ở khu vực miền Đông Nam Bộ, khi đó địa bàn huyện Bù Đốp thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa.
Đến năm 1867, Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp, chúng đã nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị thực dân bao gồm 27 địa hạt hành chính trên toàn Nam Kỳ. Lúc này, Bù Đốp trở thành một tổng của phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1893, vùng đất Bù Đốp là một tổng của quận Cần Lê, tỉnh Biên Hòa.
Năm 1906, thực dân Pháp cho thành lập đại lý hành chính Hớn Quản và đồn binh Bù Đốp. Lúc này, Bù Đốp vẫn thuộc tỉnh Biên Hòa.
Năm 1912, Pháp thành lập tỉnh Thủ Dầu Một trên cơ sở lấy một phần đất được chia tách ra từ tỉnh Biên Hòa và một phần đất thuộc tỉnh Gia Định. Lúc này, Bù Đốp là một trong 12 tổng của tỉnh Thủ Dầu Một.
Ngày 31-8-1915, Thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập quận Bù Đốp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Ngày 7-5-1926, quận Bù Đốp được sáp nhập vào quận Hớn Quản, nhưng đến ngày 03-5-1928 lại được lập lại, bao gồm cả quận Tường An bị giải thể. Năm 1938, quận Bù Đốp có 01 tổng Phước Lễ với 06 làng người dân tộc thiểu số và 01 làng người Kinh.
Từ năm 1927, bộ máy cai trị quân sự được thực dân Pháp thay bằng bộ máy dân sự do bọn chủ đồn điền quản lý. Đơn vị hành chính cấp tổng, cùng với các đại lý hành chính và đồn binh vì thế cũng được thay bằng xã và quận. Bù Đốp trở thành một quận của tỉnh Thủ Dầu Một. Cơ cấu hành chính này được giữ nguyên cho đến năm 1954.
Sau Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm thiết lập nền hành chính mới ở miền Nam Việt Nam. Tháng 10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương thành lập một số tỉnh mới ở miền Nam, trong đó tách một số quận của hai tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long, thời gian này Bù Đốp là một đơn vị hành chính cấp quận thuộc tỉnh Phước Long. Ngày 10/10/1957, chúng cho tách quận Bà Rá ra khỏi tỉnh Biên Hòa và tách quận Bù Đốp ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để lập tỉnh Phước Long, gồm 3 quận Phước Bình, Bù Đốp và Phước Hòa. Tỉnh lỵ đặt tại Phước Bình. Năm 1961, quận Bù Đốp được đổi tên là quận Bố Đức với 5 tổng, 5 xã, 22 ấp. Quận lỵ đặt tại xã Phước Lục.
Năm 1961, tỉnh Phước Long được thành lập, Bù Đốp là một quận thuộc tỉnh Phước Long. Ngày 30-1-1971, Trung ương Cục miền Nam thành lập Phân khu Bình Phước, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bình Long và tỉnh Phước Long. Cuối năm 1972, Phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập. Lúc này, quận Bố Đức trở lại tên cũ là huyện Bù Đốp thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Sau khi được giải phóng tháng 4-1972, Bù Đốp là một trong những địa bàn quan trọng nối liền huyết mạch giao thông, nơi tiếp nhận chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường Nam bộ B2.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện Bù Đốp sáp nhập với hai huyện Phước Bình và Bù Đăng thành huyện Phước Long thuộc tỉnh Sông Bé.
Ngày 9-2-1978, huyện Lộc Ninh được tái lập theo Quyết định số 34-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở tách một số xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Tân Hòa, Tân Tiến, Bù Tam (thuộc huyện Phước Long) và một số xã của huyện Bình Long.
Ngày 20-02-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP. Theo đó, thành lập huyện Bù Đốp trên cơ sở tách ra từ huyện Lộc Ninh, gồm 05 xã: Hưng Phước, Tân Tiến, Tân Thành, Thanh Hòa, Thiện Hưng. Sau khi được thành lập, huyện Bù Đốp có 37.750,48 ha diện tích tự nhiên, với dân số là 45.253 người.
Ngày 16-5-2005, thành lập xã Phước Thiện trên cơ sở 13.581,20 ha diện tích tự nhiên và 3.313 người của xã Hưng Phước và thành lập Thị trấn Thanh Bình, trung tâm của huyện lỵ Bù Đốp, với 1.608,40 ha diện tích tự nhiên và 7.643 người của xã Thanh Hòa.
Tính đến nay, huyện Bù Đốp có 07 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm: Thị trấn Thanh Bình và các xã Thiện Hưng, Thanh Hoà, Phước Thiện, Tân Thành, Tân Tiến, Hưng Phước.
Những ngày đầu mới thành lập, huyện Bù Đốp đã gặp không ít khó khăn về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực… tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân trong huyện còn thấp; thu, chi ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp từ trên; quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé; kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; cơ cấu kinh tế có sự chênh lệch lớn giữa các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông – lâm – ngư nghiệp phát triển chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…); trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học còn thiếu và tạm bợ; tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ còn thiếu. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ dân trí của một bộ phận còn thấp, tỷ lệ mù chữ cao; với đặc thù là huyện có tuyến biên giới dài 86,376km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, do đó vấn đề giữ vững và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới còn gặp khó khăn… Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của huyện.