TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BÙ ĐỐP

Chủ nhật - 09/04/2023 23:27 153 0
I. QUÁ TRÌNH HUYỆN BÙ ĐỐP ĐƯỢC THÀNH LẬP
Trong quá trình hình thành và phát triển, địa giới hành chính huyện Bù Đốp có sự thay đổi sau nhiều giai đoạn sáp nhập, chia tách, đến ngày 20/02/2003 thì huyện Bù Đốp được thành lập.
Vào đầu thế kỷ XIX, triều đình nhà Nguyễn cho thiết lập cơ cấu hành chính và hệ thống đồn ải ở khu vực miền Đông Nam Bộ, khi đó địa bàn huyện Bù Đốp thuộc phủ Phước Long, trấn Biên Hòa.
Đến năm 1867, Nam Kỳ lục tỉnh rơi vào tay thực dân Pháp, chúng đã nhanh chóng thiết lập bộ máy cai trị thực dân bao gồm 27 địa hạt hành chính trên toàn Nam Kỳ. Lúc này, Bù Đốp trở thành một tổng của phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1893, vùng đất Bù Đốp là một tổng của quận Cần Lê, tỉnh Biên Hòa.
Năm 1906, thực dân Pháp cho thành lập đại lý hành chính Hớn Quản và đồn binh Bù Đốp. Lúc này, Bù Đốp vẫn thuộc tỉnh Biên Hòa.
Năm 1912, Pháp thành lập tỉnh Thủ Dầu Một trên cơ sở lấy một phần đất được chia tách ra từ tỉnh Biên Hòa và một phần đất thuộc tỉnh Gia Định. Lúc này, Bù Đốp là một trong 12 tổng của tỉnh Thủ Dầu Một.
Ngày 31-8-1915, Thống đốc Nam Kỳ ban hành Nghị định thành lập quận Bù Đốp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một. Ngày 7-5-1926, quận Bù Đốp được sáp nhập vào quận Hớn Quản, nhưng đến ngày 03-5-1928 lại được lập lại, bao gồm cả quận Tường An bị giải thể. Năm 1938, quận Bù Đốp có 01 tổng Phước Lễ với 06 làng người dân tộc thiểu số và 01 làng người Kinh.
Từ năm 1927, bộ máy cai trị quân sự được thực dân Pháp thay bằng bộ máy dân sự do bọn chủ đồn điền quản lý. Đơn vị hành chính cấp tổng, cùng với các đại lý hành chính và đồn binh vì thế cũng được thay bằng xã và quận. Bù Đốp trở thành một quận của tỉnh Thủ Dầu Một. Cơ cấu hành chính này được giữ nguyên cho đến năm 1954.
Sau Hiệp định Genève, chính quyền Ngô Đình Diệm thiết lập nền hành chính mới ở miền Nam Việt Nam. Tháng 10-1956, chính quyền Ngô Đình Diệm chủ trương thành lập một số tỉnh mới ở miền Nam, trong đó tách một số quận của hai tỉnh Thủ Dầu Một và tỉnh Biên Hòa để thành lập hai tỉnh mới là Bình Long và Phước Long, thời gian này Bù Đốp là một đơn vị hành chính cấp quận thuộc tỉnh Phước Long. Ngày 10/10/1957, chúng cho tách quận Bà Rá ra khỏi tỉnh Biên Hòa và tách quận Bù Đốp ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một để lập tỉnh Phước Long, gồm 3 quận Phước Bình, Bù Đốp và Phước Hòa. Tỉnh lỵ đặt tại Phước Bình. Năm 1961, quận Bù Đốp được đổi tên là quận Bố Đức với 5 tổng, 5 xã, 22 ấp. Quận lỵ đặt tại xã Phước Lục.
Năm 1961, tỉnh Phước Long được thành lập, Bù Đốp là một quận thuộc tỉnh Phước Long. Ngày 30-1-1971, Trung ương Cục miền Nam thành lập Phân khu Bình Phước, trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Bình Long và tỉnh Phước Long. Cuối năm 1972, Phân khu Bình Phước giải thể, tỉnh Bình Phước chính thức được thành lập. Lúc này, quận Bố Đức trở lại tên cũ là huyện Bù Đốp thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam. Sau khi được giải phóng tháng 4-1972, Bù Đốp là một trong những địa bàn quan trọng nối liền huyết mạch giao thông, nơi tiếp nhận chi viện từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường Nam bộ B2.
Ngày 11 tháng 3 năm 1977, huyện Bù Đốp sáp nhập với hai huyện Phước Bình và Bù Đăng thành huyện Phước Long thuộc tỉnh Sông Bé.
Ngày 9-2-1978, huyện Lộc Ninh được tái lập theo Quyết định số 34-CP của Hội đồng Chính phủ trên cơ sở tách một số xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Tân Hòa, Tân Tiến, Bù Tam (thuộc huyện Phước Long) và một số xã của huyện Bình Long.
Ngày 20-02-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ-CP. Theo đó, thành lập huyện Bù Đốp trên cơ sở tách ra từ huyện Lộc Ninh, gồm 05 xã: Hưng Phước, Tân Tiến, Tân Thành, Thanh Hòa, Thiện Hưng. Sau khi được thành lập, huyện Bù Đốp có 37.750,48 ha diện tích tự nhiên, với dân số là 45.253 người.
Ngày 16-5-2005, thành lập xã Phước Thiện trên cơ sở 13.581,20 ha diện tích tự nhiên và 3.313 người của xã Hưng Phước và thành lập Thị trấn Thanh Bình, trung tâm của huyện lỵ Bù Đốp, với 1.608,40 ha diện tích tự nhiên và 7.643 người của xã Thanh Hòa.
Tính đến nay, huyện Bù Đốp có 07 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm: Thị trấn Thanh Bình và các xã Thiện Hưng, Thanh Hoà, Phước Thiện, Tân Thành, Tân Tiến, Hưng Phước.
Những ngày đầu mới thành lập, huyện Bù Đốp đã gặp không ít khó khăn về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân lực… tình hình kinh tế - xã hội, đời sống Nhân dân trong huyện còn thấp; thu, chi ngân sách chủ yếu dựa vào nguồn trợ cấp từ trên; quy mô nền kinh tế còn nhỏ bé; kinh tế chủ yếu là nông - lâm nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tập trung; cơ cấu kinh tế có sự chênh lệch lớn giữa các lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ, nông – lâm – ngư nghiệp phát triển chưa đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng…); trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học còn thiếu và tạm bợ; tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ còn thiếu. Bên cạnh đó, tỷ lệ hộ nghèo cao; trình độ dân trí của một bộ phận còn thấp, tỷ lệ mù chữ cao; với đặc thù là huyện có tuyến biên giới dài 86,376km tiếp giáp với Vương quốc Campuchia, do đó vấn đề giữ vững và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới còn gặp khó khăn… Đó là những trở ngại ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình xây dựng và phát triển của huyện.
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN BÙ ĐỐP
II. BÙ ĐỐP SAU 20 NĂM THÀNH LẬP, XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
Qua 20 năm nỗ lực xây dựng, phát triển, huyện Bù Đốp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng; diện mạo tổng thể của huyện có sự chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vị thế, thế mạnh của huyện trong sự phát triển chung của Tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, sau khi đi vào hoạt động, huyện Bù Đốp đã có bước phát triển mới trên nhiều lĩnh vực:
1. Về lĩnh vực kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện 20 năm qua luôn được duy trì mức tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành, các lĩnh vực đều phát triển; thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư từ huyện đến cơ sở:
- Tăng trưởng bình quân hàng năm, giai đoạn (2003 - 2005) là 6,7%, GDP thu nhập bình quân đầu người đạt 3.320.000đ; giai đoạn 2010-2015 là 12,3%; tổng thu nhập toàn xã hội tính đến năm 2015 được 2.061,91 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 là 23,1 triệu đồng/người/năm, tăng 15,58% nghị quyết đề ra.
Đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 là 8,06%, thu nhập bình quân đầu người là 37 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết, đặc biệt năm 2017, đạt 374 tỷ đồng, gấp 17 lần so với năm 2003.
Năm 2021, mặc dù trong bối cảnh chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế của huyện tiếp tục có bước phát triển ổn định, các chỉ tiêu đều đạt và một số chỉ tiêu đạt cao so với nghị quyết. Tổng thu ngân sách địa phương 607 tỷ 555 triệu, đạt 118% chỉ tiêu tỉnh giao, đạt 100% Nghị quyết huyện giao. Tổng chi ngân sách địa phương: 582 tỷ 422 triệu đồng, đạt 113% so với chỉ tiêu tỉnh giao và đạt 95% so với Nghị quyết huyện giao.
Đến năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 382,4%; thu ngân sách địa phương đạt 142,8%; thu nhập bình quân đầu người đạt 62 triệu đồng, đạt 121,5% nghị quyết.
- Là huyện thuần nông, với thế mạnh của huyện có nguồn lao động trẻ, thiên nhiên ưu đãi, đất đai phì nhiêu, khí hậu ôn hòa phù hợp để canh tác các cây trồng có giá trị kinh tế (cao su, hồ tiêu, điều, cây ăn trái…). Do đó, quá trình sản xuất từng bước được chuyển đổi theo hướng cây trồng, vật nuôi, theo hướng an toàn, bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch sinh thái và các điểm di tích lịch sử theo chương trình đột phá về phát triển kinh tế của huyện.
- Trong nông nghiệp ưu tiên tập trung trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng chuyên canh, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổng diện tích gieo trồng năm 2022: 23.360 ha tăng 49% so với năm 2003 (tăng 7.645 ha). Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản từng bước phát triển. Hiện đang tập trung theo hướng nuôi công nghiệp. Toàn huyện có 19 HTX và 14 tổ hợp tác; tăng 119% HTX so với năm 2003. Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp, đã được tỉnh công nhận 09 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh (có 02 sản phẩm đạt 04 sao, 07 sản phẩm đạt 3 sao). Chỉ đạo các cấp, các ngành làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, kiểm soát chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm.
- Về công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ: năm 2003, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 1,31%, thương mại - dịch vụ chiếm 12,5%, nông - lâm - thủy sản chiếm tới 86,19%. Đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, nông - lâm nghiệp - thủy sản chiếm 59,93%; công nghiệp - xây dựng chiếm 16,14%; thương mại - dịch vụ chiếm 23,93%. Năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 630 tỷ đồng, đạt 103,6% nghị quyết; giá trị trao đổi hàng hoá, thương mại - dịch vụ đạt 2.653 tỷ đồng, đạt 100,2% nghị quyết.
- Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã vượt chỉ tiêu đề ra, tạo bước chuyển lớn trong đời sống xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Toàn huyện hiện có 06/06 xã, đạt 100% xã đạt chuẩn Nông thôn mới và công nhận 04 KDC kiểu mẫu; (ấp Tân Hiệp, xã Tân Thành; thôn 5, 6, xã Thiện Hưng; KDC ấp Tân Hưng, xã Phước Thiện); chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy và Đề án xây dựng thị trấn Thanh Bình đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt chuẩn vào năm 2023, hiện tính hết năm 2022 đã đạt 23/24 tiêu chí.
- Quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch đô thị: lập Quy hoạch chung thị trấn Thiện Hưng; từng bước đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, các thiết chế văn hóa để phấn đấu đến năm 2024 xã Thiện Hưng đạt các tiêu chí đô thị và trình UBND tỉnh xem xét đưa xã Thiện Hưng trở thành thị trấn Thiện Hưng.
- Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn huyện, đến nay đã trồng được 35.500 cây xanh lâm nghiệp, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao; tỷ lệ che phủ rừng chung của huyện đạt 68%, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết.
- Chính sách thu hút đầu tư được quan tâm, đến nay, Bù Đốp có có 132 doanh nghiệp; có 2.586 hộ hoạt động sản xuất kinh doanh. Bộ mặt nông thôn, đô thị có nhièu thay đổi
- Việc đầu tư, xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phân bổ hợp lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cũng như nguồn vốn hỗ trợ từ cấp trên, nguồn vốn huy động từ Nhân dân và xã hội hóa; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực đường giao thông, điện, giáo dục, y tế, thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là mạng lưới giao thông được đầu tư rộng khắp, đảm bảo kết nối các xã, thị trấn trong huyện. Với chiều dài đường liên xã được nhựa hóa là 61,058 km, đạt tỷ lệ 55,17%, vượt 15% chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra; bê tông hóa, nhựa hóa cứng hóa các trục đường liên thôn, ấp được 84,64 km, đạt tỷ lệ 97,26%, vượt 37% chỉ tiêu nghị quyết đề ra; đầu tư nâng cấp nhựa hóa các tuyến đường trung tâm hành chính huyện được 4.52km, đạt tỷ lệ 100%; đầu tư nâng cấp mở rộng đường ĐT759B được 4,8 km. Hệ thống giao thông kết nối với các huyện giáp biên nước bạn Campuchia. Tổng số hộ thường xuyên sử dụng điện lưới quốc gia là 16.050hộ/16.344 hộ, đạt 98,2% trên tổng số hộ, đạt 100% nghị quyết năm 2022. Thông tin liên lạc đã đáp ứng tốt nhu cầu của Nhân dân. 100% xã, thị trấn có đường truyền cáp quang, Internet bằng công nghệ 4G đã phủ sóng hầu hết các khu dân cư của huyện. Mạng bưu chính của huyện được duy trì.
2. Về lĩnh vực văn hóa - xã hội:
Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng tương xứng với phát triển kinh tế; các chính sách an sinh xã hội được quan tâm thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
- Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đời sống tinh thần cho Nhân dân từng bước được nâng lên; một số công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên địa bàn huyện được quan tâm đầu tư xây dựng; các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc được giữ gìn; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” được triển khai xây dựng; hệ thống thông tin, tuyên truyền, truyền phát thanh được đầu tư, duy trì.
- Chú trọng đầu tư phát triển giáo dục - đào tạo về quy mô và chất lượng, đội ngũ cán bộ quản lý các trường học, giáo viên được kiện toàn chuẩn hóa, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư xây dựng; triển khai năm học mới đảm bảo theo lộ trình, chương trình dạy và học với hình thức phù hợp, thích ứng an toàn với dịch bệnh. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THCS hàng năm đạt bình quân 97,9% và tốt nghiệp PTTH bình quân là 98,5%. Tỷ lệ trúng tuyển vào cao đẳng và đại học bình quân khoảng 67,25%.  Đến nay, toàn huyện đã có 13/25 trường đạt chuẩn Quốc gia. Trong đó, có 23 trường thuộc huyện quản lý, cơ sở vật chất có 420 lớp học/12.042 học sinh và 02 trường THPT do Sở Giáo dục & đào tạo quản lý, có 70 phòng học/58 lớp học/1568 học sinh.
- Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Công tác chi trả trợ cấp chính sách, bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Trong hơn 20 năm đã xây được 1.481 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà chốt dân quân biên giới…với tổng trị giá trên 94,8 tỷ đồng.
- Công tác xóa đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm: được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, các chính sách giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, tỷ lệ giảm nghèo hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết giao; tiếp tục thực hiện tốt công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động với nhiều chính sách ưu đãi, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. 
Trong 20 năm, đã giảm được 4.425 hộ nghèo đạt và vượt so với kế hoạch đề ra (bình quân hàng năm giảm từ 1-1,3% tỷ lệ hộ nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đầu năm 2003 từ 26,57% (chiếm trên ¼ tổng số hộ dân), xuống còn 2,32% (402/17,343 hộ) so với tổng số hộ dân toàn huyện, giảm 24,25% so với ngày huyện mới thành lập. Giải quyết việc làm cho 33.935/33.500 lao động, đạt 101,2% so với Nghị quyết đề ra; đào tạo nghề 5.932/5.185 lao động, đạt 114,4% so với Nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.
+ Công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân: tiếp tục được quan tâm; hạ tầng và trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư và sử dụng hiệu quả; hoạt động xã hội hoá y tế được người dân tham gia hưởng ứng tích cực. Công tác phòng chống dịch bệnh Covid –19 được quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; các chương trình phòng, chống dịch bệnh và công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở hành nghề y tế tư nhân, các cơ sở kinh doanh ăn uống, vệ sinh an toàn thực phẩm được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, kiểm soát không để bùng phát dịch sốt xuất huyết trên địa bàn; hoạt động xã hội hoá y tế được người dân tham gia hưởng ứng tích cực. Số giường bệnh trên vạn dân đạt 22,47 giường, tỷ lệ bác sỹ trên vạn dân 6,24 bác sỹ, đạt 100% nghị quyết; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng là 8,9% (nghị quyết năm 2022 <10%). Năm 2022, tổng số người tham gia BHXH, BHYT, BHTN là 54.561 người, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2021; đạt tỷ lệ bao phủ BHYT là 92% dân số, đạt 100% chỉ tiêu với nghị quyết.
3. Về lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nội chính và đối ngoại
20 năm qua, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới của huyện được đảm bảo và giữ vững; phối hợp kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh Covid-19; triển khai xây dựng 04 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Tình hình ANCT, TTATXH cơ bản được ổn định; công tác giao quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu và tổ chức thành công diễn tập phòng thủ và diễn tập phòng thủ có một phần thực binh; nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Hoạt động đối ngoại giữa chính quyền, lực lượng vũ trang và giao lưu Nhân dân từ huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bù Đốp với chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân 02 huyện Sanual, Keosima - Vương quốc Campuchia giáp biên được duy trì và tổ chức thực hiện hiệu quả.
Tích cực triển khai thực hiện đề án phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn huyện theo chỉ đạo của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm soát các hoạt động tư pháp, công tác kiểm tra, điều tra, xét xử đúng quy định, pháp luật; công tác thi hành án dân sự được tập trung thực hiện đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nhà nước. Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo luật định.
4. Về lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
- Công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo thực hiện tương xứng với nhiệm vụ then chốt; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng tiếp tục được phát huy. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên học tập nghị quyết hàng năm đạt từ 94% - 98%. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 17-CT/TU của Tỉnh ủy về định hướng, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội; kiện toàn, củng cố duy trì hoạt động có hiệu quả Ban chỉ đạo 35 về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; việc thực hiện Kết luận 21-KL/TW khóa XIII, chú trọng thực hiện các giải pháp khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, hạn chế gắn với thực hiện Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, chuyên đề toàn khoá và chuyên đề hàng năm có nhiều đổi mới; Cuộc vận động “Người Bình Phước, nói lời hay, làm việc tốt” và phong trào “Tiết kiệm bản thân, dành phần người khó” tiếp tục được duy trì.
Đảng bộ huyện đã quan tâm lãnh đạo tăng cường công tác phát triển đảng viên mới đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy định. Khi thành lập huyện năm 2003 toàn Đảng bộ chỉ có 07 tổ chức cơ sở đảng với 459 đảng viên, đến năm 2005 đã thành lập được 33 tổ chức cơ sở đảng với 608 đảng viên; đến nay, toàn huyện đã có 50 tổ chức cơ sở Đảng, với 2004 đảng viên. Hoạt động của các tổ chức cơ sở Đảng và cả hệ thống chính trị ngày càng đi vào nề nếp; tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực được kiện toàn, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiêm vụ trong thời kỳ mới. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng; đặc biệt là sự chung tay, đoàn kết, đồng lòng của toàn Đảng bộ, Chính quyền, toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân huyện Bù Đốp trong công tác phòng chống đại dịch Covid – 19.
Chương trình đột phá tạo nguồn quy hoạch, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý gắn với xây dựng hệ thống chính trị giai đoạn 2020 – 2025 được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ đảm bảo các yêu cầu theo quy định, tạo nguồn cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động làm theo.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần phục vụ. Tập trung nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND và hoạt động thẩm tra, giám sát, chất vấn tại kỳ họp, chất vấn giữa hai kỳ họp; thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Thường trực HĐND với UBND và UBMTTQVN. Công tác điều hành, hoạt động của UBND huyện có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.
Hệ thống dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp luôn chủ động nắm bắt tình hình trong Nhân dân, kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc phát sinh từ cơ sở góp phần ổn định an ninh chính trị tại địa phương. Tăng cường mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, tham gia có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, phong trào tương thân tương ái, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từng bước phấn đấu thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, của MTTQ và các đoàn thể, Nhân dân.
III. BÀI HỌC KINH NGHIỆM VÀ ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐẾN NĂM 2025
1. Bài học kinh nghiệm:
Trong quá trình xây dựng và phát triển, Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, đó là:
Trên tinh thần tiếp tục phát huy những mặt tích cực đã làm được, kiên quyết tự soi, tự sửa sai sót, những điều không phù hợp thì điều chỉnh. Chặng đường 20 năm xây dựng, phát triển của huyện, có thể khái quát và làm rõ một số kinh nghiệm: Đó là, 
Một là, Tổ chức triển khai, quán triệt kịp thời, sâu sắc chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn huyên, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; đồng thời cụ thể hóa trong tổ chức thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của Bù Đốp; có quyết tâm chính trị cao trong toàn hệ thống chính trị, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu.
Hai là, phải giữ gìn và phát huy được tinh thần đoàn kết thật sự, tránh đoàn kết xuôi chiều, nhất là trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực cấp ủy; phải tạo được sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với các công trình, dự án lớn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Thực sự quan tâm đến các đối tượng chính sách, người có công với nước, hộ nghèo, người neo đơn, không để ai bị bỏ quên, lùi lại phía sau.
Ba là, trong công tác lãnh đạo, điều hành tránh tư tưởng coi nặng phát triển kinh tế mà coi nhẹ các lĩnh vực khác, đặc biệt phải đảm bảo quốc phòng - an ninh. Thực hiện thật tốt công tác phối hợp giữa huyện Bù Đốp với Tỉnh bộ và các đồn Biên phòng, Trung đoàn 717 và các lực lượng đứng chân trên địa bàn; duy trì và củng cố mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa chính quyền và lực lượng vũ trang huyện với chính quyền và lực lượng vũ trang các huyện thuộc Vương quốc Campuchia có chung đường biên giới tiếp giáp. Đặc biệt coi trọng xây dựng thế trận  an ninh Nhân dân, gắn với thế trận quốc phòng toàn dân.
Bốn là, trong xây dựng và phát triển cần xác định rõ tiềm năng, thế mạnh của Bù Đốp là phát triển nông nghiệp sạch; chuyển đổi theo hướng cây trồng, vật nuôi, theo hướng an toàn, bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp; thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ gắn với du lịch sinh thái và các điểm di tích lịch sử; do đó cần chú trọng xây dựng và sử dụng hiệu quả hệ thống thủy lợi sau Cần Đơn và các hồ đập trên địa bàn; quyết tâm xây dựng bằng được thương hiệu sản phẩm nông nghiệp sạch; ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi; đề ra các giải pháp để phát huy hiệu quả Trung tâm thương mại, cửa khẩu.
Năm là, Phải thực sự khách quan, công tâm trong công tác đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; tránh tư tưởng cục bộ, lợi ích nhóm, chủ nghĩa cá nhân. Phải thật sự thống nhất quan điểm trong  cấp ủy và người đứng đầu, đó là: vì việc bố trí con người, không vì người bố trí việc. Người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao; phải công tâm, khách quan và công khai chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ trước Đảng bộ và Nhân dân về lĩnh vực được phân công phụ trách; đồng thời đề cao tính tiền phong, gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, cấp ủy viên các cấp. Chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; phải xác định rõ quan điểm “dân là gốc”, có được sự đồng thuận của Nhân dân thì công việc mới thành công.
2. Định hướng phát triển của huyện Bù Đốp đến năm 2025
- Định hướng chung: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng ổn định và bền vững; không ngừng nâng cao quy mô, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; khai thác có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đi đôi với phát triển kinh tế, chú trọng phát triển toàn diện con người và các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo; đảm bảo an sinh xã hội; từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong các tầng lớp dân cư. Tăng cường củng cố quốc phòng; giữ gìn biên giới hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia; kiềm chế và đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông; giữ vững sự ổn định về an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội. Không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân cùng hướng tới mục tiêu vì sự nghiệp phát triển bền vững của huyện.
Để đạt mục tiêu trên, Đại hội Đảng bộ huyện Bù Đốp lần thứ XI đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025:
- Về kinh tế:
 (1) Tổng giá trị sản xuất toàn xã hội trên địa bàn huyện đến năm 2025 đạt 17.479,18 tỷ đồng; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 9.817,77 tỷ đồng; Công nghiệp - xây dựng: 3.222,24 tỷ đồng; Dịch vụ: 4.439,35 tỷ đồng.
 Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 8,62% (trong đó; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản: 5,49%; công nghiệp - xây dựng: 14,78%; dịch vụ: 11,42%).
(2) Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025: đạt 68 triệu đồng/người/năm.
(3) Cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 53,1%; Công nghiệp - xây dựng 20%; thương mại- dịch vụ 26,9%. Phấn đấu thành lập mới 80 doanh nghiệp; thành lập mới 8 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả.
(4) Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn: 2.618,149 tỷ đồng. Trong đó: Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách huyện: 771,849 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển từ ngân sách cấp trên: 693,500  tỷ đồng. Vốn đầu tư từ doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 1.010 tỷ đồng. Vốn đầu tư từ cơ sở sản xuất kinh doanh trong nhân dân: 142,800  tỷ đồng
(5) Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025 đạt 800 đến 820 tỷ đồng
- Về văn hóa - xã hội:  Phấn đấu đến năm 2025 xã Thiện Hưng đạt các tiêu chí đô thị loại V, đủ điều kiện thành lập thị trấn.
(8) Phấn đấu đến năm 2025 duy trì và công nhận mới 50% trường học thuộc huyện đạt chuẩn quốc gia (duy trì 08 trường hiện có và công nhận mới ít nhất 03 trường).
(9) Phấn đấu đến năm 2025 đạt 6,3 bác sỹ/01 vạn dân; mức tăng dân số 1,07%; 22,47 giường bệnh/vạn dân; 7/7 xã, thị trấn đạt chuẩn Quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định đạt 100%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 10%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đến cuối năm 2025 phấn đấu đạt trên 95%.
(10) Phấn đấu có từ 70% trở lên thôn, ấp, khu phố đạt khu dân cư văn hóa; có 95% trở lên cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 90% trở lên hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa.
(11) Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 1,0% theo chuẩn hiện hành, hạn chế đến mức thấp nhất hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh; đào tạo nghề cho 1.500 lao động; giải quyết việc làm cho 10.000 người; tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn: 90-95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo (được cấp chứng chỉ) đạt 95%; xóa 212 hộ khó khăn về nhà ở.
(12) Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm đạt 68%; cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 95%; tỷ lệ dân số sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%.
- Về xây dựng hệ thống chính trị: Phấn đấu thực hiện đạt 100% tỷ lệ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến đạt mức 3, mức 4. Hàng năm có trên 85% chi, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Phấn đấu trong nhiệm kỳ kết nạp được 300 đảng viên mới. Phấn đấu có trên 90% tổ chức đoàn thể - chính trị xã hội đạt loại khá trở lên; phát triển đoàn viên, hội viên đạt 65%/tổng số quần chúng thuộc đối tượng thu hút vào đoàn, hội.
IV. Ý NGHĨA CỦA SỰ KIỆN 20 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN
Kỷ niệm 20 năm thành lập huyện là dịp để tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử, văn hóa, tinh thần đại đoàn kết, ý chí xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; củng cố bồi đắp thêm niềm tin của Nhân dân; nhằm cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong huyện chung sức, chung lòng, tiếp tục thi đua học tập, lao động, sản xuất để xây dựng huyện Bù Đốp ngày càng giàu đẹp, văn minh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nguồn tin: đề cương tuyên truyền kỷ niệm 20 năm thành lập huyện Bù Đốp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HUYỆN UỶ BÙ ĐỐP
BÁO BÌNH PHƯỚC
UBND HUYỆN BÙ ĐỐP
DỊCH VỤ CÔNG
CỔNG DỊCH VỤ CÔNG QUỐC GIA
Facebook Bù Đốp Ngày Mới
UBND XÃ THANH HOÀ
...... ... Thống kê truy cập
  • Đang truy cập40
  • Hôm nay4,491
  • Tháng hiện tại11,719
  • Tổng lượt truy cập1,926,041
THỊ TRẤN THANH BÌNH - HUYỆN BÙ ĐỐP - TỈNH BÌNH PHƯỚC.
Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch UBND thị trấn Thanh Bình - huyện Bù Đốp
Địa chỉ:  Thị trấn Thanh Bình – Huyện Bù Ðốp, Bình Phước
ĐT 0913644368;  Email: thanhbinh.hbdo@binhphuoc.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây