Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong mọi thời điểm, Việt Nam cũng như các quốc gia khác, bảo vệ biên giới luôn là vấn đề quan trọng bậc nhất. Để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, có nhiều lực lượng, nhiều phương thức, trong đó có sức mạnh gián tiếp, có phương thức gián tiếp, có lực lượng gián tiếp… Nhưng có bao nhiêu sức mạnh gián tiếp, lực lượng gián tiếp, phương thức gián tiếp cũng không thể thay thế được lực lượng trực tiếp, lực lượng hằng ngày, đặc biệt là các “cột mốc sống” - những cư dân biên giới. Với một đất nước đã chiến thắng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại bằng chiến tranh nhân dân, nay có nền quốc phòng toàn dân như Việt Nam, những cư dân biên giới càng có vai trò quan trọng hơn.
Ngày 22-2-1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16-HĐBT lấy ngày 3-3 hằng năm là “Ngày biên phòng”. Luật Biên giới quốc gia năm 2003 quy định lấy ngày 3-3 hằng năm là “Ngày biên phòng toàn dân”. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị xác định: “Xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc”.
Có thể thấy, biên phòng toàn dân là phòng tuyến bảo vệ biên giới với sức mạnh tổng hợp của cả nước, trong đó lực lượng chủ yếu là nhân dân cả nước, trực tiếp là nhân dân khu vực biên giới tham gia quản lý, bảo vệ biên giới. Đó cũng là cơ sở, là chỗ dựa quan trọng của lực lượng bộ đội biên phòng trong bảo vệ an ninh biên giới.
Những năm qua, Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước đã đoàn kết, gắn bó chặt chẽ với đồng bào các dân tộc trên địa bàn biên giới. Những người lính quân hàm xanh không chỉ chắc tay súng mà còn tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đồng hành với nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Ở địa bàn Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập có lẽ nhiều người chưa quên các chiến sĩ mang quân hàm xanh là y, bác sĩ các trạm xá quân dân y luôn sẵn sàng khám, chữa bệnh cho nhân dân, không chỉ với người dân 3 huyện mà cả người dân Campuchia bên kia biên giới. Hình ảnh lớp học do cán bộ, chiến sĩ biên phòng đứng lớp dạy con em mình vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí đồng bào biên giới, đồng bào Khmer, S’tiêng nhiều ấp, sóc. Cũng đã có nhiều sĩ quan biên phòng chuyển công tác làm chủ tịch UBND, bí thư đảng ủy xã biên giới… Cùng với đó, nhiều hoạt động khác được bộ đội biên phòng thực hiện đều đặn hằng năm, như xây nhà đại đoàn kết, trao tặng bò giống cho đồng bào nghèo, trao học bổng cho học sinh nghèo vùng biên giới…
Từ đó, khối đại đoàn kết toàn dân, thế trận lòng dân được củng cố ngày một vững chắc hơn. Tình cảm quân - dân trên tuyến biên giới Bình Phước ngày càng keo sơn, gắn bó hơn.
Thời cuộc, khoa học - kỹ thuật… không ngừng đổi thay. Nhưng bảo vệ biên giới là nhiệm vụ thiêng liêng không bao giờ thay đổi với người chiến sĩ biên phòng. Sứ mệnh cao cả của người dân biên giới cũng sẽ không bao giờ thay đổi. Không chỉ những ai có chứng minh nhân dân, căn cước công dân biên giới, mà Bình Phước - một tỉnh biên giới, vì thế mỗi người dân Bình Phước là một người dân tỉnh biên giới, cũng có sứ mệnh cao cả đó, không thay đổi. Sự độc đáo nền biên phòng toàn dân, nền quốc phòng toàn dân cũng thế, sẽ còn mãi với Tổ quốc Việt Nam.
Sưu tầm: Hoành Sơn
Link: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/153147/su-menh-con-mai-voi-thoi-gian
Ý kiến bạn đọc