Nên có Bộ luật Tư pháp riêng biệt cho người chưa thành niên phạm tội

Thứ ba - 09/01/2024 03:57 153 0
TS.HOÀNG MINH KHÔI (Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại Tp.HCM) - Trong thời điểm Quốc hội đang xem xét xây dựng Luật Tư pháp đối với người chưa thành niên, với mong muốn góp thêm ý kiến, bài viết đề cập những vấn đề còn bất cập về cơ cấu tội danh của Bộ luật Hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, qua đó, kiến nghị cơ quan lập pháp cần xây dựng Bộ luật tư pháp riêng biệt cho người chưa thành niên phạm tội và đưa ra những kiến nghị giải pháp đổi mới, hoàn thiện.
Nên có Bộ luật Tư pháp riêng biệt cho người chưa thành niên phạm tội
1. Cơ sở pháp lý quốc tế về quyền và quyền lợi của người chưa thành niên
1.1 Công ước quốc tế về quyền trẻ em
Công ước Liên Hợp quốc về quyền trẻ em (United Nations Convention on the rights of the child – viết tắt: UNCRC)[2] được xem như bản tuyên ngôn chính thức của toàn thế giới đối với các quyền và quyền lợi của trẻ em. Khái niệm trẻ em được Công ước khẳng định là tất cả người dưới 18 tuổi (Điều 1), hoàn toàn đồng nghĩa với pháp luật dân sự và hình sự của Việt Nam ghi nhận về người chưa thành niên (NCTN) là người dưới 18 tuổi.
Văn bản pháp lý có tính toàn cầu này bao gồm 54 điều, là sự xác lập và bảo hộ cho các quyền cơ bản của trẻ em như: quyền sống và phát triển vì lợi ích tốt nhất của trẻ em, quyền tham gia của trẻ em, bảo vệ trẻ không bị bóc lột và lợi dụng. Nó cũng giải thích cách mà chính phủ và xã hội phải làm nhằm đảm bảo cho trẻ em đều có thể được hưởng tất cả các quyền của mình, không chỉ ở các lĩnh vực an sinh xã hội “trẻ em được có mức sống thích đáng để phát triển về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và xã hội (Điều 27), mà còn ở lĩnh vực tư pháp nói chung, đặc biệt là ở khía cạnh tư pháp hình sự. Đó là, người dưới 18 tuổi nếu gây ra những hành động phạm pháp sẽ không bị áp dụng hình phạt tử hình hoặc tù chung thân, hoặc, không có khả năng được phóng thích; Không trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện. Việc bắt, giam giữ hoặc bỏ tù trẻ em phải được tiến hành phù hợp với pháp luật và chỉ được coi là biện pháp cuối cùng và áp dụng trong thời hạn thích hợp ngắn nhất (Điều 37); Và, mọi trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự được đối xử theo cách thức phù hợp với việc thúc đẩy nhận thức của trẻ em về nhân cách và phẩm giá vốn có (Điều 40). Có thể nói, Công ước này là văn bản pháp lý quốc tế được nhiều quốc gia nhất ghi nhận, cam kết thực hiện.
1.2 Hiến pháp năm 2013
Khung pháp lý về tư pháp hình sự được Hiến pháp xác lập là một bộ phận thuộc quyền con người và quyền công dân tại Chương II. Có thế khái quát những nguyên tắc rất cơ bản đã được ghi nhận (Điều 31), như: trước khi bản án kết tội có hiệu lực thì không người nào bị xem là có tội; người bị buộc tội đều phải được xét xử kịp thời, công bằng, công khai; quyền tự bào chữa và nhờ người bào chữa được bảo vệ, bảo đảm theo luật. Mọi việc làm thiệt hại về vật chất và tinh thần của người bị buộc tội trong quá trình tố tụng hình sự đều phải được bồi thường; đồng thời, người hoặc tổ chức đã gây ra thiệt hại đó phải bị xử lý theo pháp luật.
Đối với NCTN phạm tội, ngoài những quyền và quyền lợi nêu trên, còn có thể liên hệ chính sách hình sự riêng cho họ theo tinh thần của Điều 37 Hiến pháp: trong mọi trường hợp NCTN phạm tội vẫn được bảo đảm quyền và quyền lợi được Nhà nước, xã hội và gia đình bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; quyền được tham gia nhận thức, bày tỏ ý muốn cá nhân về các vấn đề xem xét, đánh giá và xử lý liên quan bản thân họ; trong mọi quy trình hoạt động tư pháp đối với NCTN, luật nghiêm cấm mọi hành vi, biểu hiện, hình thức có tính xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động hoặc những việc làm khác vi phạm quyền và quyền lợi của họ.
Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) được ban hành nhằm cụ thể hoá những nội dung liên quan được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, với sự điều chỉnh mạnh mẽ về quyền con người, quyền công dân. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành BLHS hơn 5 năm qua đã bộc lộ khá rõ những vấn đề còn bất cập về cơ sở truy cứu trách nhiệm hình sự cũng như việc quy kết tội danh đối với NCTN phạm tội chưa thực sự tương thích và khai triển triệt để tinh thần của Hiến pháp, cùng với yêu cầu nội luật hoá Công ước quốc tế về bảo đảm và bảo vệ tối đa quyền, quyền lợi của họ. Vì lẽ đó, vẫn rất cần được sự quan tâm từ các nhà lập pháp, chuyên gia nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn hệ thống tư pháp hình sự nói chung và cơ cấu tội danh của BLHS hiện nay đối với NCTN.
2. Các quy định về tội danh của Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)  đối với người chưa thành niên và những bất cập
2.1.  Tội danh đối với người chưa thành niên tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi
Theo khoản 1 Điều 12 quy định NCTN từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Xét về góc độ phòng ngừa/dự kiến thì việc quy định như vậy có thể xem là phù hợp, nhưng xét trên quan điểm thực định đối với hầu hết NCTN phạm tội ở độ tuổi này hiện nay là chưa minh thị - công bằng khi áp theo các tội danh cụ thể luật định.
Tổng cộng BLHS ghi nhận có 316 tội danh, từ Điều 108 đến Điều 425 (có 3 điều không phải là tội danh, gồm Điều 122, 292, 352). Các tội danh được phân chia thành 14 chương theo khách thể loại mà luật bảo vệ, từ Chương XIII đến Chương XXVI.
TT Tên chương Điều luật Số tội danh
01 Chương XIII: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN NINH QUỐC GIA Điều 108 - 121 13
02 Chương XIV: CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHỎE, NHÂN PHẨM, DANH DỰ CỦA CON NGƯỜI Điều 123 - 156 34
04 Chương XV: CÁC TỘI XÂM PHẠM QUYỀN TỰ DO CỦA CON NGƯỜI, QUYỀN TỰ DO, DÂN CHỦ CỦA CÔNG DÂN Điều 157 - 167 11
05 Chương XVI: CÁC TỘI XÂM PHẠM SỞ HỮU Điều 168 - 180 13
06 Chương XVII: CÁC TỘI XÂM PHẠM CHẾ ĐỘ HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH Điều 181 - 187 7
07 Chương XVIII: CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ KINH TẾ Điều 188 - 234 48
08 Chương XIX: CÁC TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG Điều 235 - 246 12
09 Chương XX: CÁC TỘI PHẠM VỀ MA TÚY Điều 247 - 259 13
10 Chương XXI: CÁC TỘI XÂM PHẠM AN TOÀN CÔNG CỘNG, TRẬT TỰ CÔNG CỘNG Điều 260 - 329 70
11 Chương XXII: CÁC TỘI XÂM PHẠM TRẬT TỰ QUẢN LÝ HÀNH CHÍNH Điều 330 - 351 22
12 Chương XXIII: CÁC TỘI PHẠM VỀ CHỨC VỤ Điều 353 - 366 14
13 Chương XXIV: CÁC TỘI XÂM PHẠM HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP Điều 367 - 391 25
14 Chương XXV: CÁC TỘI XÂM PHẠM NGHĨA VỤ, TRÁCH NHIỆM CỦA QUÂN NHÂN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI PHỐI THUỘC VỚI QUÂN ĐỘI TRONG CHIẾN ĐẤU, PHỤC VỤ CHIẾN ĐẤU Điều 392 - 420 29
15 Chương XXVI: CÁC TỘI PHÁ HOẠI HÒA BÌNH, CHỐNG LOÀI NGƯỜI VÀ TỘI PHẠM CHIẾN TRANH Điều 421 đến 425 5
 
Khảo sát 13 tội danh của Chương XIII – các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, có thể thấy rõ là NCTN không có năng lực để trở thành chủ thể đầy đủ của những tội danh này và cũng chưa từng xuất hiện trên án lệ, như: Tội phản bội tổ quốc, tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, tội gián điệp… Giả thiết, có NCTN ở độ tuổi này phạm vào tội bạo loạn “Người nào hoạt động vũ trang hoặc dùng bạo lực có tổ chức hoặc cướp phá tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chống chính quyền nhân dân, thì bị…” (Điều 112), theo đó, thì dù họ có hành động tham gia vẫn chỉ có thể là vai trò bị người khác rủ rê, lôi kéo; thậm chí là, không hề biết hành vi của mình giúp sức cho hành động chống phá chính quyền. Vì thế, nếu chỉ dựa trên khung pháp lý hình sự hiện nay để kết luận đối với trường hợp NCTN có hành vi như vậy, nhất là đối với NCTN có xuất thân mồ côi, ít học/thất học, lao động phổ thông, vùng sâu, vùng xa, hoặc, NCTN thuộc đồng bào dân tộc… vào các tội danh này, thì thực tế là còn rất khiên cưỡng.[3] Vì một số lý do sau:
-  Trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì “Mặt chủ quan” là yếu tố cơ bản để đánh giá một hành vi phạm tội có thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia hay không, tức là phải xem xét lỗiđộng cơ và mục đích.[4] Việc đánh giá mặt chủ quan của một NCTN là phạm tội trong trường hợp này phải làm rõ các tiêu chí điều kiện: cố ý trực tiếp, động cơ rõ ràng, với mục đích chính trị cụ thể. Song, với các chế định pháp luật hiện nay là dựa trên những tiêu chí điều kiện đánh giá đối với hành vi phạm tội của người thành niên, tức là không có tiêu chí điều kiện phân biệt cấu thành tội phạm giữa người thành niên và NCTN - kẻ thành niên cầm đầu phạm tội gì thì NCTN đồng phạm theo tội đó. Song, phát sinh bất cập là: xét theo tiêu chuẩn tâm lý phổ thông cũng có thể thấy rõ nhận thức chủ quan trong cùng một vấn đề thì ở NCTN có tầm, cấp hiểu khác biệt so với người trưởng thành. Điều đó cũng có nghĩa: việc chứng minh tội phạm hiện nay là đồng nhất người trưởng thành với NCTN như nhau và đó là vấn đề ảnh hưởng tiêu cực cho quyền tự vệ và quyền được bảo vệ của NCTN trước những cáo buộc tội danh hình sự bất lợi cho họ (ở đây không bàn đến chính sách hình sự khi áp dụng hình phạt).
- Đối với các tội danh được xác lập theo động cơ an ninh chính trị, đa phần chỉ có trong các vụ án do tổ chức phạm tội thực hiện với quy mô, cách thức chặt chẽ, mức độ bảo mật cao, nên giả thiết có hành vi đồng phạm của NCTN cũng chỉ có thể là trường hợp bị lợi dụng, hoặc bị rủ rê, lôi kéo và bị che giấu trong “vỏ bọc” của một hành vi khác, tức là sự lầm tưởng trong nhận thức chủ quan của NCTN. Trong trường hợp này, nếu NCTN bị cáo buộc chung vào tội danh xâm hại an ninh quốc gia với người thành niên cầm đầu, tổ chức thì thật sự là chưa đảm bảo phương châm xử lý “thấu tình, đạt lý” đối với họ.
Tương tự, xem xét ở các chương tội danh khác, cho thấy đa số các tội danh đều vượt “tầm” hoặc “ngưỡng” chủ thể là NCTN. Cụ thể:
+ Ở Chương XV có các tội danh: “Tội giết hoặc vứt con mới đẻ” (Điều 124); “Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ” (Điều 127); “Tội làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 129); “Tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” (Điều 132 - yêu cầu chủ thể của tội danh này phải là người có trách nhiệm chuyên môn, trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm công dân của người thành niên); “Tội vô ý gây thương tích… do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (Điều 139);
+ Ở Chương XV có các tội danh: “Tội xâm phạm quyền công dân về bầu cử… khi Nhà nước trưng cầu ý dân” (Điều 160); “Tội làm sai lệch kết quả bầu cử, kết quả trưng cầu ý dân” (Điều 161); “Tội cưỡng bức công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật”; “Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới” (Điều 165)…;
+ Ở Chương XVI có tội danh: “Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” (Điều 179);
+ Ở Chương XVII có các tội danh: “Tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn… tự nguyện” (Điều 181); “Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng” (Điều 143); “Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187);
Và, còn nhiều tội danh khác thuộc các chương tội danh về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Tội phạm về môi trường; Tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng, như: “Tội đưa vào sử dụng phương tiện giao thông… không bảo đảm an toàn” (Điều 262); “Tội điều động người…tham gia giao thông đường bộ” (Điều 263…). Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính, như: “Tội không chấp hành lệnh gọi… nhập ngũ” (Điều 333); “Tội làm trái quy định… quân sự” (Điều 334); “Tội cố ý làm lộ bí mật Nhà nước…” (Điều 337); “Tội giả mạo chức vụ… công tác” (Điều 339)… Các tội phạm về chức vụ, tham nhũng; Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp; Các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm quân nhân… và các tội phá hoại hoà bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh. Tổng cộng, có khoảng 178/316 tội danh không thể là chủ thể NCTN ở độ tuổi trên 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Chiếm tỷ lệ là: 56,32% trong cơ cấu tội danh của BLHS hiện hành.
Như nêu trên, giả thiết NCTN đã có việc làm giúp sức, hỗ trợ người thành niên trong hành vi phạm tội nào đó, mà tội phạm chỉ có thể do chủ thể là người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, thì vai trò đồng phạm của NCTN (nếu có) sẽ chủ yếu xuất phát từ hai nguyên do: (i) Sự tổ chức, lôi kéo, rủ rê của người thành niên làm họ lầm tưởng là việc làm phù hợp, hoặc, cho rằng “ chuyện không lớn”. (ii) Sự hạn chế của độ tuổi và kinh nghiệm sống trong nhận thức và năng lực chủ quan cũng như chủ thể của NCTN không đủ “tầm” để thấu hiểu đầy đủ về hành vi phạm tội. Cả hai nguyên do này đều có thể đưa đến hệ quả cần đánh giá vai trò đồng phạm của NCTN chuyển hướng sang cấu thành một tội danh khác nhẹ hơn; hoặc, chưa đến mức truy cứu hình sự. Điều đó cho thấy, chế định pháp lý về trách nhiệm hình sự hiện hành đối với “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm” tại BLHS còn chưa sát hợp.
2.2. Tội danh đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Khoản 2 Điều 12 BLHS quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ chịu trách nhiệm hình sự khi phạm tội ở mức rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thuộc 28 tội danh, cụ thể: “Giết người” (Điều 123); “Cố ý gây thương tích… người khác” (Điều 134); “Hiếp dâm” (Điều 141); “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” (Điều 142); “Cưỡng dâm” (Điều 143); “Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” (Điều 144); “Mua bán người” (Điều 150); “Mua bán người dưới 16 tuổi” (Điều 151); “Cướp tài sản” (Điều 168); “Bắt cóc nhằm chiếm đoạt” (Điều 169); “Cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170); “Cướp giật tài sản” (Điều 171); “Trộm cắp tài sản” (Điều 173); “Huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” (Điều 178); “Sản xuất trái phép chất ma tuý” (Điều 248); “Tàng trữ trái phép chất ma tuý” (Điều 249); “Vận chuyển trái phép chất ma tuý” (Điều 250); “Mua bán trái phép chất ma tuý” (Điều 251); “Chiếm đoạt chất ma tuý” (Điều 252); “Tổ chức đua xe trái phép” (Điều 265); “Đua xe trái phép” (Điều 266); “Phát tán chương trình tin học…điện tử” (Điều 286); “Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính… điện tử” (Điều  287); “Xâm nhập trái phép… điện tử của người khác” (Điều 289); “Sử dụng mạng máy tính… chiếm đoạt tài sản” (Điều 290); “Khủng bố” (Điều 299); “Phá huỷ công trình… an ninh quốc gia” (Điều 303) và “Chế tạo, tàng trữ… quân sự” (Điều 304).
Trẻ em ở độ tuổi 14 – 15, xét theo hệ thống giáo dục đang ở cuối cấp trung học cơ sở; theo ý kiến chuyên gia, về tâm sinh lý xã hội là giai đoạn “tiền dậy thì”, ý thức chuyển biến nhiều hơn theo khuynh hướng mơ mộng, xa rời thực tế,… Hầu hết các em ở tuổi này sống hoàn toàn phụ thuộc, gắn liền với cha mẹ, gia đình, hay, cơ sở nuôi dưỡng. Vì vậy, thực tế chưa thấy có căn cứ cho rằng những trẻ đang trong độ tuổi này tiềm ẩn năng lực trở thành chủ thể của hành vi, từ giết người, hiếp dâm, cưỡng dâm, bắt cóc hay mua bán người đến những việc đậm tính khủng bố cao là chế tạo, sử dụng, mua bán vũ khí quân dụng như luật dự kiến. Tất nhiên, không phải không có trường hợp cá biệt trẻ em tuổi này, do nhiều nguyên nhân tác động có hành động tham gia vào giai đoạn nào đó trong diễn tiến hình thành tội phạm, nhưng cũng chỉ ở một số vụ việc đơn giản về xâm phạm quyền sở hữu (trộm cắp), hay, trật tự công cộng (ẩu đả, phá rối trật tự) - Thống kê tình hình tội phạm hàng năm của cơ quan chức năng đã xác định điều này.[5] Mặt khác, cũng cần tiếp cận từ góc độ: (i) Luật là thước đo chung, dựa trên tính phổ biến của xã hội, không phải căn cứ vào tình huống thiểu số, cá biệt; (ii) Thực tế, có thể nói, từ khi BLHS được thi hành hơn 5 năm qua và kể cả trong thời gian 20 năm thi hành BLHS trước đây cũng chưa ghi nhận có trường hợp trẻ em 14 – 15 tuổi đã thực hiện một trong những tội ác nêu trên, hay thực hiện những tội danh mới, như: Phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng viễn thông, điện tử; khủng bố; phá huỷ công trình an ninh quốc gia. Hoặc, là chủ thể độc lập trong các vụ phạm tội xâm phạm sở hữu, xâm phạm tính mạng sức khoẻ và trật tự công cộng mà hậu qủa nguy hiểm của hành vi đã đến mức rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng.
Cũng theo ý kiến chuyên gia, trẻ 14 – 15 tuổi, tuy có các dấu hiệu chuyển biến “tiền dậy thì”, nhưng hầu như chưa có thể có những ham muốn thôi thúc quyết liệt đến mức sử dụng bạo lực để thoả mãn tính dục, hay khống chế tinh thần người khác để buộc họ phải đáp ứng nhu cầu sinh lý. Thực tế, đã có một vài trường hợp trẻ em (nam) bị cáo buộc về hành vi hiếp dâm trẻ em (nữ), nhưng đều xuất phát từ các tác nhân: bắt chước phim ảnh, tò mò, do xúi giục,… và, trên thực tiễn truy tố, xét xử cũng chưa thấy NCTN phạmm tội gây đến hậu quả vật chất về sức khoẻ ở mức rất nghiêm trọng/ đặc biệt nghiêm trọng. Như vậy, đối với NCTN ở độ tuổi 14 – 15, nếu hành vi phạm tội chưa gây ra hậu quả rất nghiêm trọng/đặc biệt nghiêm trọng thì theo luật định không bị xem là tội phạm. Dẫn theo báo cáo của cơ quan chuyên trách NCTN, cho thấy: Người dưới 18 tuổi nói chung vi phạm pháp luật thời gian qua, chủ yếu là hành vi xâm phạm sở hữu (đa số là tội trộm cắp tài sản) và xâm phạm sức khoẻ công dân (hơn 64%), các loại hành vi đặc biệt nghiêm trọng chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, như: Giết người 1,4%; Hiếp dâm, cưỡng dâm 2%; Cướp tài sản 3%; Cướp giật 3,6% và tại báo cáo không đề cập có trẻ ở độ tuổi 14 – 15 trong số ít hành vi có yếu tố bạo lực cao này. [6]
 Có thể nói, đối với trẻ em 14 – 15 tuổi phạm tội, ngoại trừ thuộc tội danh có tính chất ít nguy hiểm như: trộm cắp tài sản, cướp giật tài sản… được thực hiện ở một số cá biệt trong các trường hợp trẻ lang thang, cơ nhỡ, mồ côi không người thân chăm sóc hoặc từ môi trường gia đình bất ổn. Song, hiện tại theo BLHS dự kiến những trẻ trong độ tuổi này có khả năng tham gia vào số những tội danh khác trong nhóm 28 tội danh về bạo lực, khủng bố, an ninh quốc gia – thì thấy rõ là, không có cơ sở xã hội để hình thành trên thực tế. Giả thiết, có trường hợp trẻ em tham gia vào hành vi nào đó bị coi là tội ác thì thường do người trưởng thành lừa dối, bị áp đặt, thậm chí phải thực hiện do tình trạng phụ thuộc; trong trường hợp đó, trẻ tham gia phạm tội cũng không thể bị xem là có vai trò đồng phạm theo tội danh của người trưởng thành.
Thời gian gần đây, một số nghiên cứu, bình luận và truyền thông đã đưa ra những cảnh báo quá “nhấn mạnh” về tình hình theo kiểu “Gia tăng tội phạm trẻ em”, “Tội phạm ngày càng trẻ hoá”… đã tạo áp lực và định hướng dư luận xã hội theo hướng tăng nặng trừng phạt, thậm chí có cả sự gợi ý cần giảm hơn nữa tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối trẻ em (dưới 14 tuổi). Tuy nhiên, những kinh nghiệm này cũng đã được ghi nhận ở một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Vương quốc Anh… từng trải nghiệm những điều chỉnh tư pháp bất lợi hơn cho NCTN, song, vẫn không làm giảm được tình hình NCTN VPPL nghiêm trọng, trái lại còn tăng cao.[7] Khuynh hướng phát triển các thủ tục tư pháp bất lợi đối với trẻ theo quan điểm trên, thực tế là chưa làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, xã hội và gia đình; trong khi lại nhấn mạnh trách nhiệm lên chính trẻ em. Mặt khác, cách tiếp cận theo hướng “thổi phồng” thực trạng vi phạm pháp luật ở NCTN là khá mâu thuẫn với kết quả nghiên cứu của tổ chức Unicef Việt Nam đối với NCTN phạm tội trong 13 năm gần đây.[8]
Từ những trình bày nêu trên, thấy cần kiến nghị các nhà lập pháp xem xét, cấu trúc lại hệ thống tội danh phù hợp hơn đối với từng độ tuổi và theo xu hướng tách bạch pháp luật hình sự riêng biệt cho NCTN.
3. Kiến nghị
- Định hướng xây dựng Bộ luật Tư pháp người chưa thành niên (hoặc có thể dùng cụm thuật ngữ “Vị thành niên” cho gọn hơn). Bộ luật được phân thành hai phân hệ: Luật Xử lý hình sự đối với Người chưa thành niên và Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên. Trong mỗi luật, có thể cấu trúc chung luật nội dung và luật hình thức – tức là, pháp điển hoá hành vi vi phạm pháp luật hình sự của người chưa thành niên và quy định thủ tục điều tra, truy tố xét xử tại Luật, trên cơ sở quy định thời hạn, thủ tục tố tụng, hình phạt phù hợp hợp với mội cấp độ tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi (Xây dựng Luật Xử lý vi phạm hành chính cho người chưa thành niên với cấu trúc tương tự và loại bỏ các biện pháp xử lý vi phạm hàh chính hiện nay đối với họ);
- Xây dựng cơ chế, lực lượng chuyên trách điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự riêng đối với người chưa thành niên – Giao cơ quan Bộ Tư pháp quản lý với lực lượng cảnh sát tư pháp chuyên trách độc lập.
- Xây dựng Pháp lệnh về các biện pháp tư pháp đối với người chưa thành niên trên cơ sở cấu trúc thống nhất các biện pháp tư pháp, biện pháp thay thế và biện pháp xử lý vi phạm hành chính hiện nay, nhằm tránh dàn trải, chồng chéo về tên gọi cũng như cơ chế thực hiện. Bộ Tư pháp xây dựng cơ chế, lực lượng có sự phối hợp của lực lượng Đoàn Thành niên, cơ quan Giáo dục và Chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục và bảo vệ đối với họ. Ngân sách cần đầu tư thích đáng cho cơ sở vật chất và lực lượng thực hiện.
 
TAND TP. Sông Công, Thái Nguyên xét xử các là người chưa 18 tuổi- Ảnh: Linh Lan
[2] Đây là văn kiện pháp lý quốc tế do Đại hội đồng Liên Hợp quốc thông qua ngày 20/11/1989 theo Nghị quyết số 44/25, hiệu lực từ ngày 02/09/1990. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước ngày 26/01/1990 và không bảo lưu một điều nào.
[3] Thống kê của tổ chức Uniceft Việt Nam, giai đoạn 2006 - 2018: số NCTN bị khởi tố về các hành vi xâm phạm quyền sở hữu là chủ yếu (46%); xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người khác (hơn 18%). Các hành vi khác chiếm tỷ lệ nhỏ. Nguồn:
https://www.unicef.org/vietnam/media/4396/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20JJ%20sitan.pdf
[4] Xem thêm: Hoàng Minh Khôi, (2015), “Hoàn thiện chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội theo Hiến pháp Năm 2013”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 14(294), kỳ 2 tháng 07/2015.
[5] Theo thống kê trong 2 năm 2021-2022: NCTN vi phạm pháp luật, 8.227 vụ, với 16.649 đối tượng. So với cùng kỳ giai đoạn 2019-2020 giảm 200 vụ = 2,4% (8.227/8.427 vụ)… (Nguồn: https://congan.com.vn/doi-song/nhiem-vu-phong-chong-toi-pham-xam-hai-tre-em-duoc-day-manh_140877.html );
- Độ tuổi đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi 27,26%, dưới 18 tuổi 69,12%. Trình độ văn hóa, không biết chữ 3,75%, tiểu học 29,33%; THCS 46,51%; THPT 20,41%. Trong 884 đối tượng, có 553 đối tượng đã bỏ học, chiếm 71,44%. (Nguồn: https://cand.com.vn/Phap-luat/Giai-phap-ngan-chan-nguoi-tre-pham-toi-i602531/ ).
Thống kê của Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, trong 3 năm từ 2016 - 2018 toàn quốc đã phát hiện 13.794 vụ với 20.367 đối tượng là người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong số các bị cáo bị đưa ra xét xử, có độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là 284 trẻ, chiếm 3%. Còn lại, là ở độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi chiếm 97%. Về giới tính có 186 bị cáo là nữ giới, còn lại là nam giới.
[7] Xem: Toshikuni Murai, “Current Problems of Juvenile Deliquency in Japan”, Hitotsubashi journal of law and politics, tháng 02/1988, tr.1-10. Nguồnhttp://hdl.handle.net/10086/8213
[8] Báo cáo của Unicef về diễn tiến tình hình NCTN phạm tội trong 13 năm, từ 2006 – 2018 theo hướng giảm dần cả về số vụ và NCTN. Cụ thể, năm 2006 ghi nhận có 10.468 vụ, với 16.446 người dưới 18 phạm pháp; năm 2018, là: 4.441 vụ, với 6.632 NCTN phạm pháp. Ước tính, sau 12 năm số NCTN phạm pháp đã giảm hơn 60% về cả số vụ và số người. Nguồn: https://www.unicef.org/vietnam/media/4396/file/B%C3%A1o%20c%C3%A1o%20t%C3%B3m%20t%E1%BA%AFt%20JJ%20sitan.pdf  - 15g00” 30/7/2023. Tlđd.
Sưu tầm: Hoành Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP.
Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đốp
Địa chỉ:  Ð.Lê Hồng Phong, Khu Phố Thanh Xuân – Thị trấn Thanh Bình – Huyện Bù Ðốp, Bình Phước
ĐT 0271.3563.572; Fax : 0271.3563.583 Email: vphdndubnd.hbdo@binhphuoc.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây