Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Thanh Bình
2024-12-23T19:58:06-05:00
2024-12-23T19:58:06-05:00
http://hdnd.budop.gov.vn/vi/thanhbinh/tuyen-truyen/luat-trat-tu-an-toan-giao-thong-duong-bo-391.html
/themes/egov/images/no_image.gif
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP
http://hdnd.budop.gov.vn/uploads/logo.png
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội khóa 15 thông qua ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7. Luật gồm có 09 chương, 89 điều, với các nội dung cơ bản sau:
Chương I (Quy định chung) gồm 09 điều, từ Điều 1 đến Điều 9
Tiếp tục kế thừa các hành vi bị nghiêm cấm từ Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; cấm lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp của bản thân hoặc người khác để vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ hoặc can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Chương II (Quy tắc giao thông đường bộ) gồm 24 điều, từ Điều 10 đến Điều 33
Tiếp tục kế thừa các quy tắc giao thông đường bộ của Luật Giao thông đường bộ 2008 đồng thời bổ sung các nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tiễn gồm:
Quy định khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.
Quy định cụ thể quy tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc.
Bổ sung đối tượng xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy; xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp là xe ưu tiên.
Quy định cụ thể hàng hóa xếp trên xe thô sơ phải bảo đảm an toàn, không gây cản trở giao thông và che khuất tầm nhìn của người điều khiển.
Chương III (Phương tiện tham gia giao thông đường bộ) gồm 22 điều, từ Điều 34 đến Điều 55
Bổ sung và quy định cụ thể phân loại phương tiện giao thông đường bộ, bổ sung phương tiện giao thông thông minh; quy định về biển số xe, phân loại biển số xe; đấu giá biển số xe; quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá biển số xe.
Quy định tổ chức, cá nhân vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì chưa được giải quyết việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện vi phạm.
Bổ sung quy định việc kiểm định khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy.
Quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ. Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.
Quy định xe ô tô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình; quy định việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống giám sát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; quy định việc quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe; quy định việc trang bị, lắp đặt, quản lý, vận hành, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ kiểm tra tải trọng xe cơ giới.
Chương IV (Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ) gồm 09 điều, từ Điều 56 đến Điều 64
Quy định tích hợp các loại giấy tờ của người lái xe vào tài khoản định danh điện tử và quy định việc xuất trình, kiểm tra có thể thực hiện thông qua tài khoản định danh điện tử.
Quy định phân hạng giấy phép lái xe theo Công ước Viên về giao thông để tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch và đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam.
Quy định về thời hạn của giấy phép lái xe.
Quy định chuyển tiếp về giấy phép lái xe.
Các trường hợp người có giấy phép lái xe đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có nhu cầu đổi, cấp lại giấy phép lái xe.
Độ tuổi của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng.
Quy định điểm của giấy phép lái xe.
Chương V (Tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ) gồm 09 điều, từ Điều 65 đến Điều 73
Quy định cụ thể về hoạt động tuần tra, kiểm soát về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Quy định cụ thể các căn cứ để Cảnh sát giao thông dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ để kiểm tra, kiểm soát.
Quy định lực lượng Cảnh sát giao thông được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; phương tiện giao thông đường bộ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ. Lực lượng khác trong Công an nhân dân tham gia phối hợp với Cảnh sát giao thông thực hiện tuần tra, kiểm soát được trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, công cụ hỗ trợ phù hợp với nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.
Quy định về quyền của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Chương VI (Chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ) gồm 06 điều từ Điều 74 đến Điều 79.
Quy định cụ thể về nhiệm vụ của Trung tâm chỉ huy giao thông.
Quy định kiến nghị về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với công trình đường bộ.
Chương VII (Giải quyết tai nạn giao thông đường bộ) gồm 06 điều, từ Điều 80 đến Điều 85
Quy định cụ thể về thống kê tai nạn giao thông đường bộ và Quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được hình thành ở trung ương để huy động nguồn lực xã hội hỗ trợ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.
Chương VIII (Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ) gồm 02 Điều: 86 (Nội dung quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ), 87 (Trách nhiệm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ)
Quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Quy định Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xây dựng lực lượng Cảnh sát giao thông chính quy, tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Quy định Bộ Giao thông vận tải thực hiện quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, phụ tùng xe cơ giới và nhiệm vụ quản lý khác theo quy định của Luật này; ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này.
Quy định Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về điều kiện sức khỏe của người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ; quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu.
Chương IX (Điều khoản thi hành) gồm 02 điều, Điều 88 (Hiệu lực thi hành), Điều 89 (Quy định chuyển tiếp).
Quy định Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025.
Riêng quy định "Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em" có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026./.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Tỉnh Bình Phước: