Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Lê Việt Hùng cho rằng, Quy định số 131 góp phần đảm bảo sự kiểm soát toàn diện, chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan lãnh đạo của Đảng, đặc biệt đối với các cơ quan chống tiêu cực. Bởi nếu để các cơ quan chống tiêu cực nằm ngoài vùng kiểm tra, giám sát sẽ tạo điều kiện để những cơ quan này trở thành nơi “đặc biệt”, có quyền lực “đặc biệt”, có quan hệ “đặc biệt” dễ bị lợi dụng. Quy định số 131 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, làm kiên quyết, không nể nang và không chịu bất kỳ sức ép nào.
Theo ông Lê Việt Hùng, Quy định số 131 cũng mang ý nghĩa cảnh báo để giảm áp lực từ bên ngoài vào các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực; tạo ra luồng dư luận xã hội, giám sát xã hội để giảm áp lực lên các cơ quan này. Hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán phải bảo đảm để các cơ quan hoạt động bình thường, không cản trở hoạt động thường xuyên của các cơ quan bị thanh tra, kiểm tra.
“Điểm đáng chú ý của Quy định số 131 là yêu cầu cấp ủy thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cấp ủy, tổ chức đảng thuộc thẩm quyền quản lý; các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy và UBKT của cấp ủy thực hiện nghiêm quy định của Đảng, chỉ đạo của cấp ủy, UBKT cấp trên, kịp thời chấn chỉnh hạn chế, khuyết điểm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng” - ông Lê Việt Hùng nhấn mạnh.
Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực
Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy Lê Việt Hùng, Quy định số 131 là bước đi mới nhằm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Quy định số 131 có 4 chương, 11 điều. Tại Điều 4 chỉ rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Cụ thể là các hành vi: Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng hoặc thanh tra, kiểm toán. Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.
Quy định cũng nêu rõ đó là các hành vi: Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán. Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra. Cán bộ sai phạm sẽ không được quy hoạch, điều động...
Liên quan đến việc xử lý các hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực, Quy định số 131 nhấn mạnh phải kịp thời xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm. Trường hợp đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) vi phạm thì bị xử lý theo quy định hiện hành.
“Với những cán bộ đang công tác còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như: Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán. Không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định” - ông Lê Việt Hùng cho hay.
Nêu cao vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân
Quy định đã rõ nhưng làm thế nào để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đạt hiệu quả là vấn đề đang được cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đặc biệt quan tâm.
Theo ông Lê Việt Hùng, để kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng đạt hiệu quả thiết thực hơn, trước hết đòi hỏi sự tu dưỡng, rèn luyện chuẩn mực đạo đức của chính những người làm công tác kiểm tra. Tiếp theo là phải hoàn thiện các quy trình, thủ tục, quy định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Điều động hoặc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo đặc thù của ngành, lĩnh vực hoặc khi cần thiết… để đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch; giúp việc thực hiện được khách quan, chặt chẽ, người thực hiện không thể làm khác, làm sai. Đặc biệt, sau mỗi cuộc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng cần có thông cáo báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường hơn nữa sự giám sát của cán bộ, đảng viên và nhân dân để ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi sai phạm trong quá trình thực hiện.
Sưu tầm: Hoành Sơn
Link: https://baobinhphuoc.com.vn/news/89/151199/kiem-soat-quyen-luc-goc-cua-phong-chong-tham-nhung
Ý kiến bạn đọc