NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC VIỆC THỰC HIỆN CÁC KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thứ tư - 07/09/2022 03:41 271 0
Giám sát là nhiệm vụ quan trọng của Hội đồng nhân dân (HĐND), Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và Đại biểu HĐND các cấp. Qua giám sát các kết luận, kiến nghị của đoàn được gửi tới các đơn vị chịu sự giám sát để khắc phục trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc tổ chức thực hiện và khắc phục theo kiến nghị của đoàn giám sát có lúc, có nơi còn chưa triệt để.

Thực hiện tốt công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị sau giám sát góp phần tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả các Nghị quyết của HĐND, đồng thời nâng cao năng lực, vai trò của đại biểu HĐND. Trên thực tiễn, hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn huyện đã và đang có nhiều đổi mới trong đó có hoạt động theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau giám sát từ đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra. Các kiến nghị sau giám sát phản ánh sát, đúng với thực trạng hoạt động dó đó đa số được UBND cùng cấp xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết. Đối với các cơ quan tư pháp huyện cũng được thực hiện nghiêm túc. Trường hợp kết luận, kiến nghị đòi hỏi phải có biện pháp khắc phục, điều chỉnh ngay thì yêu cầu các đơn vị thuộc đối tượng giám sát khẩn trương thực hiện. Những kiến nghị đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực hoặc nhiều cơ quan phối hợp thực hiện thì đơn vị chịu sự giám sát chủ động thực hiện trong thời gian nhất định và báo cáo về thường trực HĐND, các ban HĐND.

Tuy nhiên, như đã nói, trên thực tế cho thấy vẫn còn một số ý kiến kiến nghị sau giám sát chưa được các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát thực hiện đầy đủ, kịp thời. Để các cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng giám sát tiếp thu, giải quyết kịp thời các ý kiến kiến nghị của đoàn giám sát theo đó cần tăng cường theo dõi, đôn đốc và giám sát thực hiện kiến nghị, đề xuất qua giám sát, cũng như việc ghi nhận trong phiên chất vấn của các đại biểu tại kỳ họp cần phải được thực hiện thường xuyên, quyết liệt với nhiều hình thức như: Đôn đốc, nhắc nhở tại các cuộc họp; khảo sát trực tiếp tại các đơn vị đã giám sát; khảo sát tại đơn vị có kiến nghị cần phải khắc phục tồn tại, hạn chế; cần thiết tổ chức tái giám sát để nghe đơn vị báo cáo về việc thực hiện kiến nghị sau giám sát hoặc đề nghị cơ quan, đơn vị giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND để tiếp tục có cơ sở giám sát kết quả thực hiện. Bên cạnh đó, vai trò của UBND cùng cấp trong việc kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, bộ phận chức năng thực hiện các kiến nghị sau giám sát là rất quan trọng. UBND cùng cấp cần tăng cường chỉ đạo thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát quá chậm, đùn đẩy trách nhiệm hoặc không tổ chức thực hiện các kiến nghị sau giám sát.

Như vậy, theo dõi, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi mỗi đại biểu tăng cường phát huy vai trò nắm bắt thông tin, theo dõi, tổng hợp các nội dung đã kết luận, kiến nghị sau giám sát, theo dõi, cập nhật và thường xuyên rà soát việc thực hiện của các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm giải quyết các kết luận kiến nghị sau giám sát.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND thì hiệu quả khắc phục, giải quyết các kiến nghị của đoàn giám sát cần quan tâm một số nội dung: Một là: Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, trách nhiệm của thành viên đoàn giám sát, đề cao tính chủ động của thường trực HĐND, lãnh đạo, thành viên các Ban của HĐND, đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát. Khắc phục tư duy do hoạt động kiêm nhiệm, công việc chuyên môn nhiều nên khó khăn trong bố trí thời gian cho hoạt động giám sát cũng như việc tham gia không đầy đủ, không có ý kiến đi giám sát. Hai là: Nâng cao chất lượng các kiến nghị của đoàn giám sát bằng cách tiếp cận đa chiều, sâu sắc các nội dung giám sát, không chỉ nghiên cứu báo cáo mà cần lắng nghe dư luận, nắm bắt thông tin, bám sát địa bàn để có những đánh giá khách quan về vấn đề, lĩnh vực giám sát từ đó nâng cao chất lượng các kiến nghị sau giám sát, đảm bảo các kiến nghị rõ ràng, khách quan về nội dung, không chung chung hoặc không đúng chức năng, thẩm quyền giải quyết. Ba là: HĐND cần thực hiện tốt chức năng quyết định các vấn đề quan trọng, cần nghiên cứu để lựa chọn ký vấn đề cần thiết, phù hợp, được cử tri và nhân dân quan tâm để đưa vào chương trình giám sát hàng năm. Nâng cao chất lượng Nghị quyết về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân. Để làm được điều này cá nhân các đại biểu HĐND cần phát huy cáo nhất vai trò người đại biểu dân cử để nắm bắt vấn đề và đề xuất, kiến nghị với HĐND. Bên cạnh đó, đó là sự phối hợp tốt của Mặt trận Tổ quốc trong vai trò phản biện xã hội. Bốn là: Tăng cường chất lượng công tác theo dõi, đôn đốc việc giải quyết các kiến nghị sau giám sát. Điều này đòi hỏi Thường trực HĐND, các Ban của HĐND chủ động và thường xuyên quan tâm, nắm bắt quá trình giải quyết của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, để đảm bảo các kiến nghị sau giám sát được thực hiện đầy đủ, hiệu quả cần xem xét tái giám sát đối với cơ quan, đơn vị khi không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ. Năm là: Trong chương trình làm việc, Thường trực HĐND xem xét đưa việc khắc phục, giải quyết các kiến nghị sau giám sát của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát vào nội dung giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND, hoặc có thể đưa vào nội dung chất vấn tại phiên chất vấn của kỳ họp HĐND.

          Theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị là khâu cuối cùng của hoạt động giám sát, mang tính quyết định đến chất lượng, hiệu quả của giám sát. Hiệu quả giám sát của HĐND thể hiện ở việc các kết luận, kiến nghị qua giám sát được các cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu sự giám sát thực hiện nghiêm chỉnh. Do đó cần tiếp tục nâng cao chất lượng theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND huyện góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của HĐND. Đồng thời tăng cường công tác phối hợp giữa thường trực HĐND với UBND, Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và cơ quan có liên quan trong xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát, chất vấn, tiếp xúc cử tri, giải quyết khiếu nại tố cáo…, đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển chung của địa phương, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân./.

Tác giả bài viết: Hương Loan

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP.
Chịu trách nhiệm nội dung: Văn phòng HĐND - UBND huyện Bù Đốp
Địa chỉ:  Ð.Lê Hồng Phong, Khu Phố Thanh Xuân – Thị trấn Thanh Bình – Huyện Bù Ðốp, Bình Phước
ĐT 0271.3563.572; Fax : 0271.3563.583 Email: vphdndubnd.hbdo@binhphuoc.gov.vn
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây