Bài tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy
Thanh Bình
2024-09-25T04:11:05-04:00
2024-09-25T04:11:05-04:00
http://hdnd.budop.gov.vn/vi/thanhbinh/tuyen-truyen/bai-tuyen-truyen-luat-phong-chong-ma-tuy-344.html
/themes/egov/images/no_image.gif
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN BÙ ĐỐP
http://hdnd.budop.gov.vn/uploads/logo.png
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021, chính thức có hiệu lực 01/01/2022.
Luật có một số điểm mới cơ bản sau:
1. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy: Bổ sung và làm rõ rất nhiều chính sách về phòng, chống ma túy, trong đó nhấn mạnh “Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy” và “Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm: Bổ sung một số hành vi bị cấm mới cho phù hợp với thực tiễn như: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất; Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
3. Trách nhiệm phòng, chống ma túy: Tập trung các nội dung vào từng nhóm như trách nhiệm của gia đình, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ quan báo chí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác.
4. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy: Bổ sung quy định trách nhiệm xử lý của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, cụ thể: Trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.
Đáng lưu ý, Điều 32 của Luật quy định rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. Quy trình cai nghiện ma túy cũng được bổ sung, gồm 5 giai đoạn: tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.
Tệ nạn ma tuý đang là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới; là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS. Hậu quả, tác hại do tệ nạn ma tuý gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước. Phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma tuý là trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Ma túy có rất nhiều loại như: Heroin, cần sa, ma tuý đá, thuốc lắc, viên ma túy tổng hợp ... và được đối tượng buôn bán ngụy trang một cách tinh vi; lôi kéo người sử dụng dẫn đến nghiện ngập. Đáng báo động, đối tượng sử dụng ma túy tập trung ở độ tuổi thanh niên, thậm chí đã bắt đầu trẻ hóa đến tuổi vị thành niên và học sinh. Những kẻ buôn bán ma túy thường dụ dỗ các đối tượng học sinh, sinh viên bằng cách cho hút không mất tiền, khi đã nghiện thì các em sẽ trở thành công cụ để chúng kiếm tiền, đưa vào con đường: trộm cắp, cướp giật, mua bán ma túy.
Nguy hiểm hơn, một số em có quan niệm sai lầm cho rằng chơi thuốc lắc hay ma túy đá, ma tuý cỏ chỉ gây hưng phấn tức thời nhằm giải trí cho vui, chứ hoàn toàn không gây nghiện. Các em sử dụng ma túy đá, ma tuý cỏ để vui chơi hết mình, chứng tỏ đẳng cấp mà không biết rằng nó có sức tàn phá ghê gớm đến sức khỏe, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội: Chém giết người vô cớ, cuồng dâm, hoang tưởng, mất kiểm soát hành vi của mình, nặng hơn sẽ mắc bệnh tâm thần, suy kiệt thể chất và suy giảm khả năng tình dục, dẫn đến vô sinh; các cơ quan nội tạng sẽ nhanh chóng suy yếu, kiệt quệ, nó tàn phá hệ thống dây thần kinh, hủy hoại não bộ gấp nhiều lần so với thuốc lắc…Nghiện ma túy là nguyên nhân làm gia tăng những tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự. Để có tiền thỏa mãn cơn nghiện, người nghiện không từ một hành vi nào để kiếm tiền; Nghiện ma túy làm lây lan đại dịch HIV/AIDS trong cộng đồng qua hành vi tiêm chích ma túy chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục không an toàn do say thuốc lắc và là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tệ nạn mại dâm; Gây tốn kém ngân sách Nhà nước thay vì để lo phúc lợi công cộng lại phải xây dựng cơ sở chữa bệnh, tổ chức lực lượng phòng, chống và giải quyết các hậu quả tác hại do tệ nạn ma túy gây ra đề nghị nhân dân hãy tích cực tham gia vào việc phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh với tệ nạn ma túy bằng các hành động thiết thực như giáo dục thành viên trong gia đình, thân nhân về tác hại của ma tuý và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma tuý. Quản lý chặt chẽ, ngăn chặn thành viên trong gia đình tham gia tệ nạn ma tuý; Khi phát hiện các hành vi mua bán, sử dụng, trồng cây có chưa chất ma tuý cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc cơ quan có thẩm quyền.Thực hiện đúng chỉ định của thầy thuốc về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần để chữa bệnh.
Tham gia, hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma tuý tại các cơ sở cai nghiện và tại cộng đồng; theo dõi, giúp đỡ người đã cai nghiện ma tuý hoà nhập cộng đồng; phòng chống tái nghiện. Vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy”“Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma tuý”.